Thị trường rơi vào kỳ trầm lắng, lượng người đi xem đất sụt giảm khiến các văn phòng môi giới bất động sản đìu hiu, không buồn mở cửa.
Khi thị trường bất động sản sôi động, không ít người đã nhảy việc sang làm môi giới, nhưng khi thị trường chững, giao dịch đến chậm sẽ cảm thấy chán nản rồi bỏ nghề.
Anh Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 1990, ở Bắc Giang) kể, sau khi tốt nghiệp một trường Đại học, anh làm nhân viên văn phòng cho một doanh nghiệp ở Hà Nội. Tuy nhiên, với mức lương 7 triệu đồng/tháng, anh Tuấn Anh chỉ đủ thuê nhà và sinh hoạt hàng ngày, rất khó để tiết kiệm, tích lũy. Nếu muốn định cư ở Hà Nội lâu dài, anh Tuấn Anh phải có mức thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. Sau nhiều lần tính toán, anh Tuấn Anh bỏ việc đang làm, săn tìm công việc mới.
Và theo lời giới thiệu của bạn bè, anh Tuấn Anh quyết định chuyển sang nghề môi giới bất động sản.
"Nhìn thấy bạn bè tôi là môi giới bất động sản, người giỏi thì tháng kiếm cả trăm triệu đồng, người kém hơn cũng kiếm vài chục triệu đồng mỗi tháng, số tiền này bằng cả năm lương văn phòng của tôi. Vì vậy, tôi không ngần ngại bỏ công việc văn phòng ở Hà Nội để về quê Bắc Giang làm môi giới", anh Tuấn Anh chia sẻ.
3 tháng làm môi giới đầu tiên, tôi chủ yếu học việc và đi theo bạn bè lấy kinh nghiệm, quan hệ, nên chưa có lương. Nhưng từ tháng thứ tư, tôi bắt đầu bán được lô đất đầu tiên, số tiền tôi được trả lên tới 30 triệu đồng. Rồi những tháng tiếp theo tôi đều bán được 2 - 3 lô đất, thu nhập có tháng lên tới gần 100 triệu đồng.
Nhưng đó chỉ là thu nhập của năm 2021, từ đầu năm 2022, thị trường bất động sản tại Bắc Giang lao dốc, gần như không có giao dịch. Từ đầu năm đến nay, anh Tuấn Anh không bán được lô đất nào.
"Tôi thực sự vỡ mộng khi 7 tháng liên tiếp không kiếm được đồng nào. Dù trước khi bước vào nghề, tôi cũng tìm hiểu khá kỹ, nhưng không ngờ thị trường chững lại quá lâu, khiến tôi vẫn rất sốc. Do quá nhàn rỗi nên tôi thấy cuộc sống vô vị. Chắc tôi lại phải bỏ nghề lên Hà Nội kiếm việc khác làm", anh Tuấn Anh nói.
Anh Quốc Anh, Giám đốc phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho biết, ngay cả ở văn phòng anh, trước kia có 23 nhân viên môi giới, nhưng trong 4 tháng đã có 10 người nghỉ việc chuyển nghề.
“Giao dịch ít nhưng môi giới nhiều, nên nhiều người không thể xoay sở kiếm tiền được buộc phải chuyển nghề. Bây giờ tôi đăng tuyển thêm người làm mã cũng rất khó”, vị Giám đốc phòng giao dịch chia sẻ.
Theo anh Quốc Anh, giai đoạn thị trường chững sẽ ảnh hưởng tới tất cả môi giới, đặc biệt những môi giới vào nghề dưới 3 năm. Bởi nhóm môi giới này chưa có nhiều vốn tích lũy, nên khi thu nhập đột ngột giảm, thậm chí gần như không có sẽ xoay sở ngay sang nghề khác để đảm bảo cuộc sống.
“Còn nhóm môi giới làm nghề trên 5 năm, có nhiều vốn tích lũy hơn họ cũng đã đầu tư vào bất động sản thời gian qua và kiếm được lời. Giai đoạn chững họ sẽ xoay chuyển kinh doanh thêm hoặc đầu tư mảng khác, nhưng vẫn sẽ túc tắc bám nghề, bởi họ hiểu làm bất động sản sẽ có thời kỳ nhất định, sau đó lại tiếp tục phải nằm gai nếm mật”, anh Quốc Anh đưa quan điểm.
Theo vị Giám đốc, làm môi giới bất động sản là nghề có tính thanh lọc gắt gao, thời điểm này cũng là một giai đoạn để lọc đội ngũ môi giới tâm huyết. “Nhiều người khi thấy sốt đất tưởng môi giới kiếm tiền dễ nên cũng nhảy vào làm, đây chỉ là kiểu làm ăn chộp giật. Đến khi bước chân vào nghề môi giới bất động sản thấy không như những gì nhìn thấy sẽ cảm thấy bị vỡ mộng.
Làm môi giới cũng phải có quá trình tích lũy nhiều năm, xây dựng một tệp khách hàng quen thuộc và cần đến sự nhanh nhạy theo thị trường. Ví dụ, nếu thị trường đất nền tỉnh đã chững có thể di chuyển về trung tâm để bán các sản phẩm nhu cầu thực. Dù không kiếm nhanh như thời điểm sốt những vẫn sẽ có mức thu nhập ổn định”, anh Quốc Anh chia sẻ.
Bất động sản dành cho bạn