Dù nới room tín dụng nhưng lãi suất ngân hàng đang có dấu hiệu tăng lên đã khiến người mua bất động sản khá “chùn chân” thời điểm này.
Trong bối cảnh, thị trường bất động sản sụt giảm thanh khoản, nhiều chủ đất đã ra sức “chiều” khách, thậm chí chấp nhận giảm giá và hỗ trợ hết mức các thủ tục nhưng cũng chưa bán được.
Theo anh Nguyễn Thanh, nhà đầu tư tại Hà Nội, từ tháng 3 anh rao bán đất tại Thường Tín (Hà Nội) có diện tích 200m2, nằm ở mặt đường 5m, giá 5,3 tỷ đồng.
“Mảnh đất này tôi mua từ cuối năm ngoái nhưng trong năm nay tôi cần tiền mở rộng kinh doanh nên bán đi. Thực tế, mảnh đất này đã được điều chỉnh giá tới 4 lần, mỗi lần giảm đến hàng trăm triệu đồng, đến nay chỉ còn 4,5 tỷ đồng, như vậy tôi đã chịu lỗ tới 800 triệu đồng rồi nhưng vẫn chưa có người mua”, anh Thanh nói.
Thấy giảm giá chưa hiệu quả, anh Thanh còn cam kết, nếu khách muốn mua mà chưa đủ tiền, anh sẽ tìm giúp cửa vay tiền từ ngân hàng, thế chấp bằng chính mảnh đất đó. Thậm chí, sẽ chờ trong vòng 3 tháng mới phải xuống hết tiền mảnh đất.
“Bây giờ vay ngân hàng giải ngân cũng lâu hơn trước nên tôi kéo dài thời gian giao dịch, chỉ cần có người mua tôi sẽ hỗ trợ hết kể cả thủ tục sang tên”, người này nói.
Không chỉ anh Thanh, anh Thái Tài, nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, anh rao bán mảnh đất tại Hưng Yên có diện tích 97m2, giá 3 tỷ đồng, suốt 4 tháng nay nhưng vẫn chưa có người mua.
“Tôi đã liên hệ nhiều môi giới nhờ bán và trả phí hoa hồng cao hơn, đồng thời, tôi cũng đăng lên các hội nhóm về bất động sản nhưng vẫn chưa được. Những khách liên hệ trực tiếp, tôi đều trao đổi sẽ cắt phí hoa hồng môi giới để giảm vào giá đất”, anh Tài nói.
Theo anh Tài, có khách mua đã thương thảo giá cả với anh tới 5 lần nhưng vẫn chưa chốt được giá cụ thể. “Mỗi lần chốt giá bán, hẹn ngày đặt cọc thì hôm sau họ lại gọi lại nói muốn giảm tiếp, nhiều lần tôi chấp nhận giảm giá nhưng đến nay họ cũng không liên hệ lại nữa. Nếu giờ có khách mua thật nhưng chưa xoay được tài chính, chỉ cần xuống tiền cọc, tôi cũng sẽ kéo dài thời gian giao dịch với họ”, anh Tài nói.
Anh Nguyễn Quang Hiếu, Giám đốc phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho biết, lượng đất nền hiện nay rao bán khá nhiều, đa phần đến nay đều đã giảm giá từ 10 - 20% so với thời điểm sốt đất.
“Nhiều người muốn bán nhanh đều liên hệ đặt vấn đề chỉ cần tìm được người có nhu cầu mua, còn lại chủ đất sẽ tự đàm phán, thương lượng và hứa sẽ trả phí hoa hồng cao đến cả trăm triệu đồng mỗi giao dịch”, anh Hiếu nói.
Từ những nhận định về bối cảnh của bức tranh tín dụng cho thị trường bất động sản hiện nay, theo ông Lê Hoàng Châu, về phía Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét và cân nhắc một số giải pháp nhằm khơi thông dòng chảy tín dụng, gỡ khó cho các doanh nghiệp.
Thứ nhất, theo ông Châu, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ có thể xem xét việc nới trần (nới room) tín dụng thêm khoảng từ 1-2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100-200 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.
Thứ hai, đối với thị trường TP.HCM, một trong những thị trường trọng điểm của cả nước, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét điều chỉnh Văn bản số 437/TTGSNH-TTr1 ngày 25/04/2022 của Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh và quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường bất động sản tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án bất động sản, khu đô thị, nhà ở thương mại, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu công nghiệp, văn phòng cho thuê… của các chủ đầu tư có uy tín thương hiệu và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nhất là các dự án nhà ở giá vừa túi tiền và các dự án nhà ở xã hội.
Thứ ba, đối với tín dụng cho nhà ở xã hội, Ngân hàng Nhà nước cần sớm xem xét, cân nhắc việc sửa đổi Thông tư số 20/2021/TT-NHNN để cho phép các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agrikbank) được cho cá nhân, hộ gia đình vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Bất động sản dành cho bạn