Dù với mục đích “mua nhà” Hà Nội để con cái có chỗ ở khi vào đại học, nhiều phụ huynh không khỏi ngạc nhiên khi đây đã trở thành khoản đầu tư hiệu quả và bền vững cho thế hệ tương lai.
Đối với nhiều gia đình, việc con cái được học tập ở những trường tốt, danh tiếng là một trong những mục tiêu quan trọng nhất, bởi điều đó tương đương với việc mở ra cơ hội tốt cho tương lai. Tâm lý chung ấy khiến các gia đình có điều kiện kinh tế sẵn sàng chi số tiền lớn để "tậu nhà" cho con học Đại học.
Để đáp ứng nhu cầu học hành của con cái, chị Nguyễn Thị Chanh, quê ở Nam Định cho biết, gia đình chị có một con gái lớn và một con trai. Khi cả 2 người con của chị đều học đại học tại khu vực Cầu Giấy, ban đầu các con của chị đều thuê trọ ở gần trường.
Tuy nhiên, do một số vấn đề phát sinh nên phải liên tục chuyển nhà trọ, hơn nữa để có thể thuê một phòng trọ sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi, an ninh tốt thì chi phí bỏ ra rất đắt.
"Tôi thấy các cháu cứ vài tháng lại phải chuyển trọ một lần, quá trình tìm nhà trọ đã khó khăn rồi chuyển đồ đạc rất bất tiện cho công việc học hành của các cháu. Hơn nữa, có lần con trai tôi bị mất một chiếc xe điện trị giá 15 triệu đồng tại khu trọ, tôi cảm thấy an ninh ở các khu trọ hầu như không được đảm bảo", chị Chanh kể.
Sau nhiều lần tính toán, chị Chanh thấy rằng, mỗi tháng nguyên tiền thuê nhà của các con đã mất khoảng 3,5 triệu đồng. Ngoài ra, tiền điện nước một số hộ cho thuê trọ tính mức giá kinh doanh nên rất cao. Tổng mỗi tháng nguyên tiền nhà và tiền điện nước cộng lại gia đình chị đã phải chi tới 5 triệu đồng, trong 4 năm khoản này lên tới 240 triệu đồng.
Để các con yên tâm học hành, hơn nữa tiền gia đình tiết kiệm được gửi ngân hàng lãi hàng tháng cũng không đáng bao nhiêu, chị Chanh đã bàn bạc với chồng mua một căn nhà tại Hà Nội.
Ban đầu chồng chị có do dự bởi chưa biết các con sau khi ra trường sẽ làm việc tại đâu. Sau một thời gian tình trạng phải chuyển trọ của các con vẫn diễn ra nên 2 vợ chồng chị đã quyết định tìm nhà để mua.
Trong nhiều năm trở lại đây, nguồn cung căn hộ tại Hà Nội khan hiếm, theo đó giá chung cư bật tăng. Mới đây, điều kiện kinh tế dư giả hơn nên anh Học quyết định bán căn hộ chung cư này đi để tìm mua nhà đất, sẽ có tiềm năng tăng giá bền vững hơn.
“Cứ nghĩ chung cư bán đi sẽ chấp nhận lỗ nhiều, nhưng mới đây vì chuyển sang mua nhà đất nền tôi rao bán. Lập tức có 2 vợ chồng trẻ mua với giá 2,3 tỷ đồng, tương đương lãi 500 triệu đồng sau 4 năm. Vậy là con tôi đi học vừa không mất tiền trọ đã tiết kiệm được khoản lớn mà còn có tiền lãi”, anh Học nói.
Theo anh Thanh Tùng, chủ phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội, những năm gần đây, từ nhà đất đến chung cư tại Hà Nội liên tục tăng giá mạnh. Nguyên nhân đến từ việc nguồn cung xuống thấp, do vướng mắc pháp lý, quỹ đất khan hiếm, trong khi đó, nhu cầu ở thực ngày càng tăng cao. Theo đó, giá nhà cũ liên tục tăng mạnh ngoài kỳ vọng của chủ sở hữu.
“Ngoài nguồn cung không đủ, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt là các sản phẩm nhập khẩu tăng. Giá các loại vật liệu xây dựng, như xi măng, cát gạch cũng tăng, làm giá căn hộ tăng và hình thành mặt bằng giá mới. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho nhà tăng giá”, anh Tùng nói.
Theo Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2022, giá căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền tăng so với thời điểm cuối năm 2021. Số liệu tổng hợp báo cáo từ các địa phương cho thấy giá giao dịch bất động sản tăng cao ở các thành phố lớn, có tốc độ đô thị hóa mạnh, thu hút nhiều vốn đầu tư, du lịch phát triển.
Bộ Xây dựng cho rằng, nguyên nhân tăng giá là do có sự chênh lệch về cung và cầu, nguồn cung bất động sản chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư, mua để sử dụng của người dân; do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian thực hiện dự án kéo dài, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, lãi vay khi thực hiện dự án tăng lên; do dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ các lĩnh vực khác dồn vào trú ẩn trong lĩnh vực bất động sản.
Bất động sản dành cho bạn