Trong quý III/2022, mức độ quan tâm đến bất động sản trên cả nước đã giảm đáng kể, nhưng giá nhà vẫn tăng, có địa phương tăng đến 61%.
Báo cáo thị trường quý III/2022 công bố mới đây cho thấy, nhiều tỉnh thành chứng kiến nhu cầu tìm mua bất động sản trong quý III/2022 giảm so với quý trước, đơn cử như Hải Phòng ước tính giảm 19%, Đà Nẵng giảm 12%, Cần Thơ giảm 14%.
Trong khi đó, khảo sát thực tế với các nhà môi giới cho thấy giao dịch bất động sản hiện đang gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân khiến nhiều người ít quan tâm đến bất động sản thời điểm này cũng được báo cáo chỉ rõ. Theo đó, có đến 36% số người được hỏi cho biết rào cản lớn nhất là khách hàng lo sợ thị trường tiêu cực, 23% chia sẻ giao dịch không thể chốt thành công do bị hạn chế trong vay vốn để mua bất động sản, 19% nhận thấy trở ngại chính là giá bất động sản quá cao so với khả năng tài chính.
Theo đó, trong bối cảnh hiện nay, nhiều bên tham gia thị trường bất động sản dường như đặt kỳ vọng vào việc tăng trưởng room tín dụng.
Cũng theo một khảo sát gần đây với hơn 500 thành viên trên thị trường bất động sản cũng đã cho thấy kết quả có hơn 34% đáp viên cho rằng hạn mức tín dụng sẽ được nới lỏng vào cuối năm 2022, 40% tin điều này sẽ diễn ra vào đầu năm 2023.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, có thể trong thời gian tới, Nhà nước sẽ chưa có động thái nới hạn mức tín dụng quá mạnh mẽ vì sẽ ảnh hưởng đến việc kiểm soát lạm phát.
“Kinh tế nước ta trong năm nay vẫn tăng trưởng tốt, Ngân hàng Thế giới (World Bank) ước tính Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế 7,2%. Vì vậy sức ép cấp thêm hạn mức tín dụng để kích thích tăng trưởng là không quá lớn. Nhà nước sẽ thiên về việc kiểm soát lạm phát thay vì đẩy mạnh tín dụng vào thị trường”, ông Nguyễn Quốc Anh nhận định.
Do đó, kỳ vọng của các nhà đầu tư về việc nới room tín dụng bất động sản có thể sẽ phải có tầm nhìn dài hạn hơn sang đến đầu năm 2023. Do đó, trong quý IV/2022, thị trường bất động sản có thể sẽ không có quá nhiều động lực thúc đẩy.
Điều đáng nói, trong bối cảnh này, giá rao bán nhà riêng lẻ tại một số địa phương miền Bắc vẫn tăng so với quý liền trước.
Cụ thể, giá rao bán nhà riêng Bắc Giang ước tính tăng 61%, Quảng Ninh tăng 21%, Hải Phòng tăng 3%.
Nhiều địa phương miền Nam như Cần Thơ, Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng chứng kiến mặt bằng giá rao bất động sản thấp tầng (tính gộp đất, đất nền dự án và nhà riêng) tăng nhẹ so với quý II/2022, với mức tăng từ 1 đến 11%. Tuy nhiên, nhu cầu tìm mua bất động sản thấp tầng ở các tỉnh này sụt giảm mạnh từ 19% đến 33%.
Theo ông Đinh Minh Tuấn, mặc dù thanh khoản và mức độ quan tâm đối với bất động sản thấp tầng giảm xuống nhưng chỉ một số nhà đầu tư bị áp lực tài chính cần bán ra, còn lại phần lớn nhà đầu tư vẫn kỳ vọng cao ở phân khúc này, đặc biệt là những nhà đầu tư không bị áp lực dòng tiền. Do đó, giá rao bán không giảm mà thậm chí tăng nhẹ so với quý liền trước.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu bất ổn. Biểu hiện là sự tốc độ tăng giá nhà, đất quá nhanh, trong đó tăng hơn 30% so với năm ngoái và hơn 50% so với 2019.
Lý giải vể việc này, ông Đính cho rằng, ở đâu phát triển hạ tầng, phát triển kinh tế, đầu tư thì ở đó sẽ tạo ra giá trị bất động sản. Minh chứng là ở nhiều khu vực của Hà Nội như Mỹ Đình, Linh Đàm của Hà Nội trước đây, đất nền chỉ có giá hơn 10 triệu đồng/m2 do đầu tư sơ sài nhưng hiện nay giá đã lên 200 triệu đồng/m2, tùy vị trí và nhiều yếu tố khác.
Nhìn chung, các chuyên gia nhận định, năm 2022 mới chỉ là sự khởi động sau đại dịch COVID -19, giá cho thuê căn hộ tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp trong thời gian tới.
Bất động sản dành cho bạn