Thị trường chung cư đang chứng kiến sự gia tăng giá mạnh mẽ, điều này không chỉ tạo nên làn sóng sôi động cho phân khúc nhà ở mà còn góp phần quan trọng vào việc hồi sinh các dự án bất động sản đã từng rơi vào tình trạng "đóng băng" trong nhiều năm qua.
Dự án HaNoi Melody Residences (Linh Đàm, Hà Nội) do Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Linh Đàm làm chủ đầu tư từng được mở bán vào năm 2022 và dự kiến sẽ hoàn thành vào quý IV/2024. Tuy nhiên, quá trình thi công đã phải dừng lại khi xây dựng đến tầng 5 và từ đó dự án này rơi vào trạng thái “đóng băng” trong một thời gian dài. Mới đây, dự án đã được quảng bá rầm rộ trở lại, nhưng lần này với mức giá bán lên đến hơn 70 triệu đồng/m², thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư và người mua.
Tương tự, dự án QMS Top Tower do Công ty Cổ phần Trường học Quang Minh làm chủ đầu tư, nằm tại vị trí đắc địa tại nút giao Vũ Trọng Khánh – Tố Hữu, Hà Nội, cũng được tái khởi động và bán trở lại với mức giá lên tới 80 triệu đồng/m². Dự án này đã được cấp phép xây dựng từ năm 2018 và dự kiến hoàn thiện vào năm 2020. Tuy nhiên, sau khi cất nóc vào năm 2020, dự án bất ngờ dừng thi công, để lại một công trình dang dở trong suốt một thời gian dài.
Có thể thấy, các dự án bất động sản từng bị "đắp chiếu" nay đang quay trở lại thị trường trong bối cảnh giá chung cư ngày càng leo thang. Theo các chuyên gia của Savills, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do sự hạn chế về nguồn cung và mất cân bằng trong các phân khúc sản phẩm. Hiện nay, thị trường bất động sản đang thiếu hụt cả phân khúc nhà ở vừa túi tiền lẫn phân khúc cao cấp, do nhiều dự án vẫn gặp khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý để có thể triển khai xây dựng.
Sự hồi sinh của những dự án "đắp chiếu" này phản ánh sự thay đổi trong chiến lược của các chủ đầu tư, nhằm tận dụng tối đa lợi thế của thị trường đang tăng trưởng. Tuy nhiên, sự tăng giá mạnh mẽ cũng đặt ra nhiều thách thức cho người mua nhà, buộc họ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Việc ba luật có hiệu lực sớm từ 1/8 được kì vọng sẽ dần tháo gỡ những “nút thắt” về pháp lý vốn là tác nhân gây “nghẽn” việc hoàn thiện nhiều dự án bất động sản trong những năm qua. Nhờ đó, thị trường trong thời gian tới có thể đón nhận thêm những nguồn cung mới, góp phần giải quyết chênh lệch cung cầu hiện nay.
Như ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS cho rằng, khi các luật đi vào cuộc sống sẽ giúp nhiều dự án sớm được gỡ vướng để được triển khai, hoàn thành. Từ đó nguồn cung cho thị trường sẽ gia tăng, góp phần làm giảm áp lực về cung - cầu hiện nay. Giá nhà sẽ giảm dần xuống mức hợp lý, phù hợp hơn với thu nhập người dân.
Bên cạnh đó, khi chủ đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai hơn thì chi phí để phát triển dự án cũng có cơ hội giảm xuống nhờ quy trình hoàn hiện pháp lý rút ngắn. Giá bán sản phẩm có cơ hội được điều chỉnh.
Cũng theo ông Lê Đình Chung – Tổng giám đốc SGO Homes, cùng với tiến trình phục hồi của thị trường, lượng khách hàng quyết định xuống tiền mua bất động sản cũng tăng rõ rệt trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp trong thời gian qua. Một trong những yếu tố thúc đẩy là hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, lãi suất duy trì ở mức thấp, các chủ đầu tư cũng mạnh tay triển khai nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn…,giúp tỷ lệ hấp thụ các phân khúc đều khởi sắc.
Thực tế, việc thiếu hụt nguồn cung là vấn đề nan giải bấy lâu nay của thị trường bất động sản, dẫn tới tình trạng giá nhà không ngừng tăng cao.
Theo thống kê của OneHousing, tính đến quý II/2024, mặt bằng giá căn hộ toàn thị trường Hà Nội trung bình đã lên tới khoảng 65 triệu đồng/m2, do nhu cầu cao nhưng nguồn cung mới ngày càng thu hẹp.
CBRE cũng chỉ ra, trong số các dự án mới được đưa ra thị trường Hà Nội gần đây, có tới 75% là đã mở bán từ trước năm 2024, chỉ có rất ít sản phẩm được ra mắt trong quý II của năm.
Bởi vậy, giải pháp gia tăng nguồn cung nhà đang được trông chờ từ phân khúc nhà ở xã hội và việc tháo gỡ những dự án thương mại đang vướng về pháp lý khi các bộ luật có tác động ra thị trường. Một số chuyên gia kỳ vọng trong 2 năm tới, vấn đề thiếu hụt này sẽ được khắc phục.
Theo ông Nguyễn Anh Quê - Chủ tịch G6 Group, nguồn cung nhà ở Hà Nội sắp tới sẽ được cải thiện đáng kể, đặc biệt là giai đoạn 2027-2029, khi ông dự báo quỹ căn nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có thể lên tới 300.000 căn. Điều này sẽ làm giảm nhiệt thị trường chung cư.
Bất động sản dành cho bạn