Hiện có 142 dự án bất động sản trên toàn quốc đang gặp khó khăn và vướng mắc, đã được cơ quan chức năng can thiệp để xử lý. Ngoài ra, các biện pháp hỗ trợ khác như gói vay tín dụng và sửa đổi luật cũng đang được thúc đẩy tích cực.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, trong cả nước có hàng trăm dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị “vướng mắc”, chủ yếu là “vướng mắc” pháp lý.
Trong đó, TP. Hồ Chí Minh có hơn 148 dự án bị “vướng mắc” pháp lý không thể triển khai thực hiện, hoặc không thể thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng.
Thế nhưng, nhờ có hoạt động tích cực của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác của các địa phương cùng với nỗ lực tự thân và tinh thần hợp tác của các chủ đầu tư dự án bất động sản và các khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp, các “trái chủ”, nên nhiều vướng mắc được tháo gỡ.
Đến nay Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản hướng dẫn tháo gỡ “vướng mắc, khó khăn” cho 142 dự án bất động sản, nhà ở trong tổng số 191 dự án mà các địa phương đã báo cáo.
Riêng, TP. Hồ Chí Minh đã tháo gỡ khó khăn cho 44 dự án trong tổng số 148 dự án bị “vướng mắc”, đạt tỷ lệ 30%.
Bên cạnh đó là nỗ lực tháo gỡ ngay các vướng mắc tại các văn bản dưới Luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, điển hình là Nghị định 08/2023/NĐ- CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
HOREA cho rằng, việc sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP chỉ sau khi ban hành 5 tháng, giúp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ “hạ cánh mềm”.
Hoặc, Nghị định 10/2023/NĐ-CP bước đầu tạo điều kiện để cấp “sổ hồng” cho khoảng 100.000 căn hộ du lịch (condotel); Nghị định 12/2024/NĐ-CP ngày 5/2/2024 về cơ bản sẽ tháo gỡ được “vướng mắc” trong công tác định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất các dự án bất động sản, nhà ở thương mại để giúp cho hàng trăm ngàn người mua nhà trong cả nước sớm được cấp sổ hồng.
HoREA nhận định, Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng thương mại được cơ cấu lại nợ, gia hạn thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngừng thực hiện một số quy định của Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngay trước khi Thông tư 06 có hiệu lực thi hành, đã hỗ trợ thiết thực cho rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân vượt qua khó khăn.
Song song các vấn đề trên, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng (mà nguồn vốn do một số tổ chức tín dụng tự nguyện đóng góp) với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% lãi suất cho vay thương mại thông thường để hỗ trợ chủ đầu tư, người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
HOREA nhận thấy, “gói tín dụng 120.000 tỷ đồng” cũng có một số tác động tích cực, có lợi cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và cũng có lợi cho người mua nhà tại các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Tuy nhiên cho đến nay, “gói tín dụng 120.000 tỷ đồng” mới chỉ giải ngân được 680 tỷ đồng là quá thấp, đã cho thấy việc “thiết kế” gói tín dụng này “chưa thật chuẩn”, chưa phù hợp với thực tiễn, mà trước đây HoREA đã có Văn bản 91/2023/CV-HoREA ngày 6/6/2023 nhận xét “gói tín dụng 120.000 tỷ đồng” không phải là “gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội”, mà chỉ là gói tín dụng cho vay thương mại với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% lãi suất cho vay thương mại thông thường.
Một điểm tích cực khác, Bộ Xây dựng vào ngày 17/2/2023 đã đề xuất gói tín dụng ưu đãi 110.000 tỷ đồng (mới chỉ bằng 30% tổng nhu cầu vốn) cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội với lãi suất cho vay ưu đãi 4,8 - 5%/năm trong thời hạn tối đa 25 năm để thực hiện Chương trình phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030.
HoREA tiếp tục đặt mục tiêu kỳ vọng Bộ Xây dựng tiếp tục giữ lại đề xuất “gói tín dụng ưu đãi 110.000 tỷ đồng” để thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở 2023.
Ông Lê Hoàng Châu đánh giá, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, của các cấp có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương, của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, người mua nhà, nhà đầu tư, các “trái chủ” đã giúp cho nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng trở lại và thị trường bất động sản đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất trong năm 2023 và dần phục hồi, phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững.
Bất động sản dành cho bạn