Văn bản do Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) gửi UBND TP HCM và Sở Xây dựng mới đây đã bổ sung thêm kiến nghị gỡ vướng cho 29 doanh nghiệp (DN) bất động sản với 38 dự án. Trước đó, HoREA đã đại diện 57 DN để đưa ra các kiến nghị xem xét tháo gỡ vướng mắc cho 64 dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội (NƠXH).
Quy định chồng chéo
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết các dự án chủ yếu gặp vướng mắc do vài quy định tại một số luật hoặc văn bản dưới luật chưa đồng bộ, liên thông và chưa sát thực tiễn. Cụ thể, với dự án khu nhà ở cán bộ, nhân viên Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức), chủ đầu tư là Công ty Đồng Xuân Thủ Đức kiến nghị UBND TP HCM chỉ đạo sở, ngành xem xét cho điều chỉnh quy hoạch thành chung cư cao tầng và khẩn trương hỗ trợ DN hoàn thiện thủ tục pháp lý còn lại để sớm khởi công.
Với khu chung cư cao tầng kết hợp thương mại, dịch vụ ở phường Trường Thọ, TP Thủ Đức, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh Bất động sản Đất Phương Nam kiến nghị xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư mà chưa cần xét đến yếu tố kết nối đường Vành đai 2 trong thời điểm này. Đến giai đoạn lập thủ tục cấp giấy phép xây dựng hoặc nghiệm thu đưa vào sử dụng mới xét đến kết nối giao thông đường Vành đai 2.
Công ty TNHH Đầu tư Phương Lâm đề nghị thành phố sớm giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận điều chỉnh mục tiêu dự án của DN này thành dự án 100% NƠXH. Công ty TNHH AA VinaCapital (100% vốn nước ngoài) kiến nghị UBND TP HCM giao sở, ngành chấp thuận điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, tạo điều kiện để dự án được cấp phép xây dựng, sớm đi vào hoạt động...
Ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản, cho rằng những quy định chồng chéo liên quan đến việc đóng tiền sử dụng đất cùng vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng chưa được giải quyết dứt điểm đang là nguyên nhân khiến hàng loạt dự án gặp bế tắc. Trong đó, việc đóng tiền sử dụng đất để hoàn tất nghĩa vụ tài chính là vấn đề khiến không ít DN "mất uy tín" với khách hàng.
"Một dự án từ lúc cấp phép đến khi ra được sổ hồng cho cư dân là cả một quy trình thay đổi liên tục, dẫn đến pháp lý dự án bị kéo dài. Điều này không chỉ khiến DN và khách hàng điêu đứng mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài nếu các cơ quan chức năng không mạnh dạn, cấp bách sửa đổi hành lang pháp lý theo hướng ổn định, nhất là xây dựng quy trình tính tiền sử dụng đất theo khung cố định, minh bạch, thống nhất" - ông Quang góp ý.
Dự án "nằm dài" chờ sổ đỏ
Với 38 dự án của 29 DN vừa được HoREA nêu ra trong kiến nghị bổ sung, các vướng mắc chủ yếu liên quan đến giấy phép xây dựng, quy trình thủ tục chậm trễ, đặc biệt là thủ tục tính tiền sử dụng đất và cấp sổ đỏ cho người dân.
Chẳng hạn, tại dự án Moonlight Residences (TP Thủ Đức), Công ty Ngôi Sao Gia Định kiến nghị xem xét, tháo gỡ vướng mắc; cấp phép xây dựng cho các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh còn lại. Dự án này đã cơ bản hoàn thành thủ tục về pháp lý đầu tư xây dựng nhưng từ năm 2019 đến nay, DN nhiều lần xin cấp phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh mà vẫn chưa được đồng ý. Công ty chỉ được giao, cấp sổ đỏ đối với khu ở của dự án mà không được giao, cấp sổ đỏ đối với phần diện tích công viên cây xanh...
Dự án chung cư cao tầng kết hợp thương mại, dịch vụ, văn phòng - Richmond City (quận Bình Thạnh) của Công ty Cơ khí và Xây dựng Bình Triệu đã được công nhận chủ đầu tư, có phê duyệt tổng mặt bằng và phương án kiến trúc tỉ lệ 1/500, đã có quyết định cho chuyển mục đích sử dụng đất... song dù đã nhiều lần trình duyệt giá đất vẫn chưa được phê duyệt. Thậm chí, chủ đầu tư dự án phải chủ động ứng nộp trước 50% số tiền (tương ứng 168 tỉ đồng) và đang thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ trước cho người dân...
Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển kiến nghị Trung ương sớm xem xét, giải quyết vướng mắc về cách tính tiền thuế sử dụng đất để TP HCM có nguồn thu cũng như để việc cấp sổ đỏ cho người dân được triển khai sớm.
"Việc nhiều dự án còn vướng mắc, chậm triển khai trong thời gian qua một phần nào đó hạn chế cung - cầu của thị trường. Tuy nhiên, việc thận trọng trong vấn đề xem xét, tháo gỡ các dự án cũng là cần thiết, nếu không thì sẽ dễ dẫn đến việc các lãnh đạo sở, ngành mắc vi phạm" - ông Hiển nhìn nhận.
Theo Sơn Nhung - Linh Anh
Người lao động
Bất động sản dành cho bạn