Không ít nhà đầu tư "tay to" đang "đứng ngồi không yên" trước các khoản nợ đến kỳ phải trả. Trong khi đó, các sản phẩm bất động sản giá trị tới hàng chục tỷ đồng lại không thể bán.
Chia sẻ về các câu chuyện "ôm bom BĐS" sau thông tin ngân hàng siết, ông Lê Quốc Kiên cho hay, sau giai đoạn thăng hoa kéo dài, thị trường BĐS đang vào khúc cua trầm lắng. Đặc biệt, việc tín dụng và nguồn vốn đổ vào BĐS" đã làm nhiều nhà đầu tư đuối sức.
Chẳng hạn, năm 2020, anh An mua BĐS ở dự án với mức giá của chủ đầu tư là 2,55 tỷ, trong đó đóng theo tiến độ 850 triệu đồng, ngân hàng sẽ hỗ trợ phần vốn 1,7 tỷ còn lại. Theo kế hoạch, anh An dự tính đóng vài đợt đến khoảng 300 – 500 triệu rồi bán lướt ra kiếm chênh lệch 200 – 300 triệu. Tuy nhiên, khi đã đóng phần tiền mặt đến 850 triệu vẫn chưa bán ra được, anh An phải làm hồ sơ vay ngân hàng đóng tiếp cho chủ đầu tư, đồng thời cũng có thêm thời gian kiếm người mua.
Điều anh An không ngờ tới là đến lúc này thì ngân hàng thông báo hết room tín dụng, khoản vay của anh có thể không được chấp thuận do khi tái thẩm định kỹ hồ sơ thì nguồn thu không đảm bảo. Đến lúc này anh mới "tá hỏa" vì nếu đóng tiếp thì không có tiền, bán bằng giá để thu hồi vốn cũng không được.
Với tình hình siết tín dụng như hiện tại, người mua mới cũng không chắc được ngân hàng cho vay để đóng tiếp phần tiền còn lại, mà người có sẵn tiền mặt để mua thì giá phải thật hời họ mới xuống tiền. Nếu không nhanh chóng bán lại được cho người mua mới, trường hợp như anh An sẽ bị phạt vi phạm hợp đồng với chủ đầu tư. Do đó, anh đành bấm bụng rao cắt lỗ 500 triệu, chấp nhận bán lại phần 850 triệu mình đã đóng chỉ với 350 triệu, xem như BĐS 2,55 tỷ anh An mua ban đầu, giờ bán lại chỉ được 2,05 tỷ.
Một trường hợp khác cũng "đuối" không kém. Cuối 2020, Anh Chung mua căn nhà phố trong một dự án với giá chủ đầu tư là 8 tỷ. Mục đích ban đầu anh mua để ở và đã có sẵn 2,5 tỷ để đóng theo tiến độ dự án, phần còn lại anh sẽ hợp tác với ngân hàng liên kết của dự án. Làm việc từ đầu với cả sales và ngân hàng thì mọi việc đều ổn thỏa. Tuy nhiên, khi đã đóng được 2,4 tỷ, bên ngân hàng báo lại hồ sơ của anh không được duyệt do tình hình tín dụng bị siết chặt, BĐS hình thành tương lai không nằm trong danh sách ưu tiên hỗ trợ cho vay, và nguồn thu nhập của anh cũng không còn đảm bảo như hồ sơ ban đầu. Đến lúc này đóng tiếp thì anh Chung không còn tiền, anh đành rao bán lại căn nhà mình đã mua với giá 7,6 tỷ, thu hồi lại 2 tỷ đã đóng, chấp nhận lỗ chỗ 400 triệu đồng.
Trường hợp của anh Dương lại vướng vào một dự án phân lô ở Lâm Đồng. Đầu 2021, trong một lần lên Đà Lạt chơi, tiện đường anh ghé vào tham quan một dự án. Thấy cũng hay hay đẹp đẹp, anh Dương mua một lô với giá 750 triệu. Để thuyết phục anh xuống tiền, các bạn bán hàng cũng "hứa" nếu anh không thích sẽ bán lại cho anh lời 100 – 200 triệu trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên, vài tháng sau khi bán hết hàng, đội ngũ sales đã rút hết không còn ai tại địa bàn. Mục đích lướt sóng không thành, anh Dương muốn bán thu hồi bằng vốn thì hơn cả năm nay vẫn chưa ai mua. Chưa kể đây còn là số tiền anh vay ngân hàng để dự phòng xây một căn nhà khác, giờ chôn vốn ở đây cũng làm kế hoạch xây nhà của anh bị ảnh hưởng.
Dự báo về thị trường bất động sản giai đoạn cuối năm, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức.
Cụ thể, chính sách kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, ngân hàng tăng lãi suất điều hành sẽ làm hai dòng vốn quan trọng với thị trường bất động sản là tín dụng ngân hàng và trái phiếu vào hạn chế. Lãi suất tăng, trái phiếu doanh nghiệp khó khăn sẽ làm cơn khát vốn kéo dài.
Bên cạnh đó, việc chi phí kinh doanh, chi phí vốn tăng cao hơn cùng tâm lý thắt chặt chi tiêu, trong đó có chi tiêu và đầu tư cho bất động sản của người tiêu dùng, cũng là khó khăn mà thị trường bất động sản cuối năm phải đối mặt.
Những thông tin trên thị trường liên quan đến các thay đổi pháp lý (quy định về thời hạn sở hữu chung cư, áp dụng thuế tài sản….) cũng như những cuộc điều tra trên thị trường về các sai phạm của chủ đầu tư có thể gây ảnh hưởng tới tâm lý người mua trong giai đoạn tới.
Ông Troy Griffiths - Phó tổng giám đốc, Bộ phận Quản lý cấp cao Savills Việt Nam - cho hay, cái khó của thị trường bất động sản hiện nay là tiếp cận nguồn vốn để mua nhà, đầu tư hoặc phát triển dự án. Nếu chính sách tín dụng tiếp tục trở ngại, thị trường bất động sản sẽ khó khăn hơn trong thời gian tới.
Bất động sản dành cho bạn