Do phải chịu áp lực lớn về tài chính, không chịu được áp lực trả lãi vay ngân hàng, không ít nhà đầu tư bất động sản phải tìm cách xả hàng, giảm giá để bán nhanh đây cũng là cơ hội để những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh mẽ đi săn hàng.
Khi thị trường có dấu hiệu hạ nhiệt, các nhà đầu tư bắt đầu gấp gáp rao bán bất động sản (BĐS) mình có để cắt lỗ nhưng vẫn khó ra hàng.
Từ cuối tháng 5 đến nay, bắt đầu xuất hiện nhiều thông tin chào bán BĐS với những nội dung như cắt lỗ, giảm giá, kẹt tiền bán gấp, áp lực ngân hàng… Theo khảo sát của chúng tôi, tình trạng bán cắt lỗ diễn ra ở hầu hết phân khúc, từ căn hộ đến nhà phố, đất nền tại TP.HCM cũng như nhiều tỉnh, thành.
Từ Bình Thuận vào TP.HCM lập nghiệp năm 2013, vợ chồng anh Vũ Trọng Kiên khao khát có được căn nhà của riêng mình, nên đã chấp nhận mua trả góp. Cuối năm 2019, sau khi cân nhắc thiệt hơn, vợ chồng anh quyết định mua căn hộ đang xây tại quận 9 (TP. Thủ Đức) với giá 2,2 tỷ đồng.
Anh Kiên cho biết, với việc được ân hạn nợ gốc đến tận lúc bàn giao nhà của chủ đầu tư, vợ chồng anh không quá áp lực về tài chính hàng tháng. Đến năm 2021 thì anh được nhận nhà, lúc này, số tiền nợ gốc và lãi vay hơn 12 triệu đồng mỗi tháng được vợ chồng anh xử lý bằng tiền lương tích cóp và khai thác cho thuê căn hộ.
Thế nhưng, do dự án có vị trí xa trung tâm, hạ tầng kết nối chưa đồng bộ, khiến việc di chuyển mất nhiều thời gian, nên nhà của anh thường xuyên vắng khách thuê. Chưa kể, từ lúc Covid-19 bùng phát đến nay, thu nhập của hai vợ chồng bị giảm sút, không gánh nổi việc trả nợ gốc và lãi vay hàng tháng. Cuối cùng, anh quyết định rao bán lại căn hộ trên với mức lỗ cả trăm triệu đồng.
Là đơn vị môi giới BĐS đất nền vùng ven nhiều năm, ông Trần Hữu Hạnh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư địa ốc An Điền, cho biết hiện tượng bán giảm giá là có thật. Dấu hiệu này báo hiệu thị trường đang chậm lại. Nếu trong quý III tình trạng này tiếp diễn thì thị trường BĐS sẽ đi xuống. Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ lạm phát, giá cả hàng hóa thiết yếu tăng cao. Bên cạnh đó, việc dòng vốn đổ vào BĐS bị thắt chặt, lãi suất dự kiến điều chỉnh tăng lên thì thị trường sẽ khó khăn như những năm 2008-2013, nguy cơ chu kỳ ảm đạm lặp lại.
“Thị trường đang ở ngưỡng 10 đồng thì với 10 đồng đó nhà đầu tư hiện lời 2-3 đồng. Để bán nhanh, họ phải giảm giá xuống còn 9-9,5 đồng, vẫn lời 1-2 đồng. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư đi vay ngân hàng thì tiền lãi vay nuốt hết khoản lợi nhuận này nên buộc phải bán ra nhanh” - ông Hạnh dẫn chứng.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, anh Đinh Văn Điềm (38 tuổi) đang ở trọ tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết, cuối năm 2020, anh háo hức khi mua được căn nhà tại khu Đông TP.HCM với giá 1,8 tỷ đồng kèm theo nhiều ưu đãi, chiết khấu cao, tiến độ thanh toán dài. Nhưng cảm giác vui mừng nhanh chóng qua đi khi hạn thanh toán đến gần.
Thực tế, một số trường hợp nhà đầu tư đã có lời nên muốn chốt nhanh thì là cắt lời so với kỳ vọng của họ chứ không phải là chịu lỗ.
“Hiện nay lãi suất tiền gửi có dấu hiệu tăng, như vậy khi hết thời gian bình ổn, lãi suất cho vay có thể điều chỉnh tăng. Nhà đầu tư đi vay ngân hàng dự cảm nếu lãi suất tăng họ không thể gánh nổi nên buộc phải bán nhanh, cơ cấu lại dòng tiền đầu tư” - ông Thành nói.
Trường hợp thứ hai là nhóm nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính bằng cách vay tiền người thân trong ngắn hạn, kỳ vọng đầu tư BĐS ngắn hạn rồi nhanh chóng chốt lời. Tuy nhiên, hiện nay thanh khoản kém, họ bị động xoay dòng tiền nên phải bán ra.
Từ nay đến cuối năm, phân khúc bị áp lực phải bán ra với thông tin cắt lỗ, giảm giá… xảy ra nhiều ở người mua căn hộ hình thành trong tương lai phải vay ngân hàng. Với phân khúc đất nền, đa số nhà đầu tư lướt sóng mua đất vườn, đất trồng cây lâu năm nên ngân hàng không cho vay, họ phải vay người quen. Trong ngắn hạn không ra được hàng nên buộc phải bán giá rẻ hơn kỳ vọng để hoàn trả khoản vay.
Bất động sản dành cho bạn