Nếu Luật Đất đai được ban hành sớm, người dân sẽ hưởng nhiều lợi ích hơn. Các quy định mới sẽ giúp người sử dụng đất có thể thực hiện các quyền như thế chấp, tặng cho, thừa kế và nhiều quyền lợi khác một cách hiệu quả hơn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 252 (quy định về hiệu lực thi hành), Luật Đất đai số 31/2024/QH15.
Theo dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15 của Bộ TN&MT, mục đích là cho phép Luật Đất đai có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Bộ TN&MT đã dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15.
Trong đó, về tác động chính sách đối với người dân và doanh nghiệp, dự thảo Báo cáo nêu rõ, Luật Đất đai cho phép doanh nghiệp linh hoạt trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê hoặc trả tiền thuê đất hàng năm; việc trả tiền thuê đất hàng năm có thể kỳ vọng sẽ giúp giảm chi phí đầu tư ban đầu của doanh nghiệp; từ đó, góp phần giảm giá nhà, tác động tích cực đến lực cầu thị trường bất động sản.
Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được tiếp cận quỹ đất cho phát triển sản xuất, kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp vì nếu như việc giao đất, cho thuê đất thông qua cơ chế thị trường thì có thể dẫn đến thiệt thòi cho những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.
Người sử dụng đất mà được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì có quyền và nghĩa vụ như trường hợp không được miễn hoặc không được giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; trường hợp chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì phải nộp cho Nhà nước một khoản tiền tương ứng với số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã được miễn, giảm.
Trường hợp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì không phải xác định giá đất, người sử dụng đất không phải làm thủ tục miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất…
Đổi mới quy trình, nội dung, phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất; quy định về việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong các khu vực quy hoạch.
Luật Đất đai có nhiều điểm có lợi cho người sử dụng đất, nếu Luật được ban hành sớm người dân sẽ hưởng lợi hơn, người dân có thể sử dụng quyền của người sử dụng đất, thế chấp, tặng cho, thừa kế, thực hiện các quyền tốt hơn.
Bên cạnh các cơ chế cho thuê đất nông nghiệp để thuận tiện cho người có nhu cầu sử dụng đất dùng sản xuất nông nghiệp và nông dân chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi, theo quy hoạch; được sử dụng đất kết hợp vào nhiều mục đích khác nhau để làm tăng hiệu quả sử dụng đất.
Nếu người dân sử dụng đất ổn định, lâu dài trước ngày 01/7/2014, đất không có tranh chấp thì sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước (cá nhân trong nước). Điều này góp phần làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm bất động sản, thúc đẩy nguồn cung bất động sản và đảm bảo sự bình đẳng, công bằng đối với người dân.
Cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa trong hạn mức giao đất; mở rộng phạm vi chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp từ địa bàn cấp xã lên địa bàn cấp tỉnh.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai. Bỏ khâu trung gian trong quản lý, sử dụng đất như bỏ quy định về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của Ban quản lý Khu kinh tế, Ban Quản lý khu công nghệ cao, Cảng vụ hàng không; Nhà nước trực tiếp giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận đối với tổ chức, cá nhân sử dụng đất....Đơn giản hóa thành phần hồ sơ, giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai, thực hiện thủ tục hành chính.
Luật Đất đai có nhiều nội dung mới về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, về tài chính đất đai, giá đất… đã góp phần tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho các dự án có liên quan đến sử dụng đất đai của doanh nghiệp. Hỗ trợ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai.
Luật Đất đai đã bổ sung 08 điều để quy định chuyển tiếp về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hồ sơ địa chính, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận; tài chính đất đai, giá đất; thời hạn sử dụng đất; xử lý quyền sử dụng đất của hộ gia đình cá nhân và một số trường hợp khác nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong việc áp dụng pháp luật, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất theo hướng có lợi nhất.
Tuy nhiên, trường hợp Luật Đất đai có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 thì việc xử lý các trường hợp chưa hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền về phương án sử dụng đất, phương án xử lý, phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất khi sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh để kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 132/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội sẽ bị rút ngắn thời gian hoàn thiện các thủ tục trước 06 tháng do Nghị định này sẽ bị bãi bỏ khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành.
Bất động sản dành cho bạn