Tính đầu năm 2024, nhiều biện pháp mới như giảm lãi suất vay mua nhà và hệ số rủi ro tín dụng cho nhà ở xã hội đang được hy vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của bất động sản giá rẻ và khôi phục sức mua nhà.
Từ đầu năm 2024, nhiều ngân hàng đã tiếp tục thông báo giảm lãi vay mua nhà. Cụ thể, từ ngày 1/1/2024, Agribank đưa lãi suất cho vay mua nhà về mức 7%/năm trong 1 - 2 năm đầu. BIDV giảm lãi suất cho vay mua nhà xuống quanh mức 6,5%/năm. VietinBank áp dụng lãi suất vay mua nhà 6,4%/năm trong thời gian đầu được ưu đãi.
Như vậy, so với cuối năm 2023, lãi vay mua nhà của nhóm ngân hàng “big 4” đã giảm thêm 1 -1,5 điểm phần trăm. Còn với khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, mức lãi suất cho vay mua nhà hiện dao động trong khoảng 5,9 - 10,5%/năm. Lãi vay mua nhà thả nổi dao động trong khoảng 10,5 - 12%/năm.
Bên cạnh đó, các cơ quan điều hành cũng có động thái hỗ trợ thị trường bất động sản. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã công bố Thông tư 22/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 41/2016. Theo Thông tư mới, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh giảm hệ số rủi ro đối với các khoản vay để mua nhà ở xã hội, mua nhà, xây nhà theo chương trình.
Đối với các khoản vay để mua nhà ở xã hội, mua nhà, xây nhà theo chương trình, dự án hỗ trợ của chính phủ, hệ số rủi ro trong thông tư mới được điều chỉnh xuống tối đa là 50%, tương ứng tỷ lệ đảm bảo từ 100% trở lên và tỷ lệ thu nhập trên 35%.
Hệ số rủi ro tối thiểu là 20% ứng với tỷ lệ đảm bảo dưới 40% và tỷ lệ thu nhập dưới 35%. Với những trường hợp cho vay mua nhà còn còn lại hệ số rủi ro được giữ nguyên trong khoảng từ 25% đến 100%. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
TS. Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhận định, trong thời gian vừa qua, ngành ngân hàng đã động thái hết sức tích cực bằng việc nắm bắt nhanh như hạ mức tín dụng thấp, điều chỉnh hệ số rủi ro để làm sao giúp thị trường bất động sản nhanh chóng hồi phục, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội đang rất được quan tâm như hiện nay.
“Đây là động thái kịp thời từ phía ngân hàng giúp người mua nhà có thể tiếp cận được các khoản vay cũng như tạo động lực cho các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, từ đó góp phần phát triển thị trường bất động sản”, ông Điệp chia sẻ.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho hay, kênh tín dụng nhà ở còn nhiều dư địa tăng trưởng chính vì thế, vốn cho lĩnh vực này vẫn chảy đều. Ngân sách Nhà nước giao hạn mức tăng trưởng tín dụng 15% từ đầu năm, cùng với việc giảm trọng số rủi ro với nhà ở xã hội sẽ hỗ trợ lớn cho tín dụng bất động sản năm nay.
TS. Cấn Văn Lực cho biết, nhu cầu mua nhà ở thực trong dân rất lớn nhưng nguồn cung nhà ở lại đang rất khan hiếm, đa phần nguồn cung dư là những bất động sản có giá cao khiến người có nhu cầu thực không thể tiếp cận được. Nhất là khi năm vừa qua, nền kinh tế khó khăn khiến thu nhập của người dân bị giảm sút.
Năm 2023 vừa qua, nhiều người dân không vay được tiền mua nhà, hoặc sửa nhà, do đó, trong năm 2024 ông Lực kỳ vọng, lãi suất cho vay bất động sản sẽ tiếp tục giảm, tín dụng mua nhà, sửa nhà sẽ sớm phục hồi.
“Chỉ khi thị trường hồi phục, pháp lý được tháo gỡ, người dân, nhà đầu tư vay mua bất động sản nhiều hơn, khi ấy, sức cầu mới bật lên được, kéo theo tín dụng vào bất động sản tăng mạnh trở lại”, ông Lực nói.
Theo TS. Nguyễn Thế Điệp, nhà ở xã hội là phân khúc rất thiếu trên thị trường, trong khi nhu cầu của người dân quá lớn, các doanh nghiệp bất động sản lại không “mặn mà” xây dựng phân khúc này do lợi ích doanh nghiệp chưa cao, lợi nhuận thấp hơn so với các phân khúc khác. Chính vì vậy buộc Ngân hàng Nhà nước phải đưa ra các giải pháp.
“Các doanh nghiệp bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận được vốn nên việc giảm trọng số rủi ro tín dụng đối với phân khúc nhà ở xã hội sẽ tác động lướn đến thị trường, giúp ngân hàng hạ chi phí vốn, giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, người dân”, ông Điệp nói.
Vị chuyên gia này cho biết thêm, những dự án luật sửa đổi mới được thông qua cũng giúp tạo điều kiện, nền tảng để phát triển các loại hình nhà ở chung cư, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Khi các luật chính thức có hiệu lực sẽ cải thiện được nguồn cung nhà ở xã hội và phát triển hết sức mạnh mẽ.
Tuy nhiên điều quan trọng, là mọi động thái cần hết sức cởi mở về cơ chế chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận được đất đai cũng như cởi mở tín dụng ngân hàng để doanh nghiệp cũng như người mua nhà có cơ hội tiếp cận được.
Bất động sản dành cho bạn