Nam Sài Gòn đang tiếp tục có những bước đột phá, nhiều dự án lớn đang được triển khai trong khi các hướng quy hoạch cũng tạo nên tầm nhìn lạc quan, hào hứng.
Nhiều chủ đầu tư bất động sản cung cấp thêm dự án cao cấp, tích hợp tiện ích sức khỏe nhằm nâng chất lượng sống cho cư dân TP HCM.
Trong bối cảnh bất động sản (BĐS) khu Đông TP HCM đang "tăng nhiệt" mạnh mẽ sau khi TP Thủ Đức chính thức được thành lập thì Nam Sài Gòn lại phần nào "im ắng" hơn. Tuy vậy, tiềm năng lớn cùng với nhiều ưu thế về hạ tầng, dịch vụ và hệ sinh thái, khiến nhiều người kỳ vọng khu Nam sẽ trở thành điểm đến nhộn nhịp hơn của cả những người có nhu cầu ở thực lẫn các nhà đầu tư.
Người Việt đang có xu hướng chuyển sang những nơi có nhiều không gian xanh và tách biệt khỏi khu vực dân cư đông đúc. Thay vì sống trong khu vực nội đô đắt đỏ, chật chội, nhiều gia đình tìm đến đô thị rộng lớn, không gian thoáng đãng, có mật độ xây dựng thấp và hạ tầng giao thông kết nối tốt.
Giới chuyên gia cho rằng, xu hướng này xuất phát từ việc người dân ngày càng ý thức rõ rệt hơn về môi trường sống gần thiên nhiên, hiểu sâu hơn về tầm quan trọng của không gian xanh trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, sau 2 năm sống chung cùng Covid-19, nhu cầu sở hữu những không gian xanh, gần gũi với thiên nhiên, tốt cho sức khỏe ngày càng tăng cao.
Trong khi đó, khu vực nội đô lại ngày càng thiếu không gian xanh, trong lành. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong năm 2020-2021, tỷ lệ diện tích đất dành cho cây xanh ở các đô thị lớn của Việt Nam chỉ đạt khoảng 2m2 mỗi người, bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới. Riêng tại TP HCM, diện tích cây xanh hiện chỉ có 0,5-1m2 mỗi người, đạt khoảng 8% so với chỉ tiêu quy hoạch đô thị từ 6 đến 7m2 mỗi người.
Hạ tầng Nam Sài Gòn đang tiếp tục có những bước đột phá, nhiều dự án lớn đang được triển khai trong khi các hướng quy hoạch cũng tạo nên tầm nhìn lạc quan, hào hứng.
Mới đây, TP HCM đã đề xuất xây dựng cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ với tổng vốn đầu tư 6 tỷ USD và công suất gấp 3 lần cảng Cát Lái. Dự án này được đánh giá là sẽ đóng vai trò lớn trong việc nâng cao năng lực xuất nhập khẩu của cả khu kinh tế trọng điểm phía Nam. Những dự án đang được triển khai với kỳ vọng giúp nâng cao năng lực giao thông vận tải của Nam Sài Gòn còn phải kể đến như dự án mở rộng đường Nguyễn Văn Linh, hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ hay cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 7 với Thủ Thiêm.
Về lâu dài, trong số 10 khu đô thị tương lai đã được UBND TP HCM công bố, Nam Sài Gòn có đến 4 khu đô thị: khu đô thị Nam TP HCM, khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, khu đô thị Phước Kiển - Nhơn Đức và khu đô thị mới Sing - Việt. Đây sẽ là những tác nhân quan trọng giúp hình thành một trung tâm tài chính quốc tế ở phía Nam TP HCM. Đáng chú ý, tuyến Metro số 4 đi qua Nam Sài Gòn với mức đầu tư tới 97.000 tỉ đồng được kỳ vọng sẽ góp phần "nâng tầm" giao thông của khu vực này.
Hệ thống các cơ sở dịch vụ tại Nam Sài Gòn được đầu tư bài bản, chứng tỏ được sức hấp dẫn kể từ khi bắt đầu vận hành. Có thể kể ra một số cái tên nổi bật như: trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn, trung tâm thương mại SC Vivo City, Crescent Mall, bệnh viện FV, Viện tim Tâm Đức, sân golf Phú Mỹ Hưng, đại học RMIT, Lotte Nam Sài Gòn cùng với nhiều trường quốc tế Anh, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Nguồn cung các dự án căn hộ xanh ở khu vực nội đô cũng ngày càng khan hiếm do quỹ đất hạn hẹp. Theo giới chuyên gia, tại TP HCM, không nhiều khu căn hộ có tỷ lệ mảng xanh có thể đáp ứng nhu cầu của cư dân. Giá đất cao, chi phí nguyên vật liệu tăng là nguyên nhân khiến một số chủ đầu tư chỉ tập trung tối ưu hóa diện tích sử dụng mà không chú trọng phát triển mảng xanh.
Khu Nam Sài Gòn đang được nhiều khách hàng nhắm tới bởi khu vực này vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển những sản phẩm xanh, tốt cho sức khỏe. Theo đồ án "Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2025, khu Nam được xây dựng theo hướng khu đô thị sinh thái xanh, bảo tồn thiên nhiên.
Giới chuyên gia đánh giá, Nam Sài Gòn đang là điểm đến mới của giới đầu tư khi thị trường có dấu hiệu phục hồi. Mặt bằng giá căn hộ tại khu vực này có chiều hướng gia tăng nhờ sự xuất hiện của hàng loạt ông lớn bất động sản.
Bên cạnh quận 7 đã phát triển mạnh, Nhà Bè cũng đang được đánh giá cao bởi vùng đất này sở hữu nhiều kênh rạch và diện tích mảng xanh lớn hơn nhiều so với các quận khác của TP HCM. Nơi đây đã xây dựng được một hệ sinh thái tiện ích từ trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, kết hợp giữa tiện ích hiện đại với môi trường xanh, thiên nhiên. Theo chủ trương đề án đầu tư của UBND TP HCM, trong giai đoạn 2021-2030, Nhà Bè dự kiến sẽ trở thành đô thị vệ tinh như khu vực Phú Mỹ Hưng, quận 7.
Sinh sống ở khu Nhà Bè nhiều năm nay, anh Nguyễn Tuấn Minh đánh giá cao không gian sống xanh, trong lành của khu vực này. Với quỹ đất lớn, mật độ xây dựng các khu chung cư chưa cao, Nhà Bè sở hữu không khí trong lành, tốt cho sức khỏe. Những năm gần đây, khu vực này trở thành điểm đến của các ông lớn bất động bất động sản với hàng loạt dự án quy mô.
Bất động sản dành cho bạn