Sau giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội bắt đầu phục hồi mạnh mẽ.
Thị trường phục hồi cùng làn sóng mở rộng của các thương hiệu hạng sang khiến giá thuê mặt bằng tại khu vực trung tâm Hà Nội tăng đáng kể. Cả thị trường văn phòng và mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội đều ghi nhận sự gia tăng về giá trong quý 3, nhất là khu vực trung tâm.
Không chỉ nhà phố thuộc các quận trung tâm tăng giá mà mặt bằng bán lẻ trong các ngõ nhỏ có diện tích phổ biến từ 15-40m2 cũng chứng kiến mức tăng mạnh cả về giá thuê và lượng khách tìm thuê.
Một khảo sát với các mặt bằng kinh doanh Nam Từ Liêm như Tân Mỹ, Nhân Mỹ, Phú Đô, Phương Canh, giá cho thuê đang ở mức 3,5-7 triệu đồng/tháng tăng khoảng 20% so với mức giá thuê của năm ngoái là 3-5,5 triệu đồng/tháng. Mặt bằng kinh doanh quận Đống Đa thuộc các ngõ nhỏ Khương Thượng, Phương Mai, Phương Liên, Trung Tự, Nam Đồng… giá thuê tăng từ mức 4-7 triệu đồng/tháng lên mức 5-8,5 triệu đồng/tháng. Mặt bằng kinh doanh quận Thanh Xuân thuộc Nhân Chính, Kim Giang, Khương Đình, Hạ Đình, giá thuê tăng khoảng 20-25% so với năm 2021, từ mức 3,5-7 triệu đồng/tháng lên mức 4,5-9 triệu đồng/tháng. Mặt bằng kinh doanh Cầu Giấy thuộc Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Trung Hòa, Dịch Vọng Hậu, giá thuê cũng tăng từ 4-7,5 triệu đồng/tháng lên 5-9,5 triệu đồng/tháng.
Không chỉ giá thuê tăng mà lượng người tìm thuê cũng đang tăng mạnh. Theo anh Phạm Văn Toản, môi giới chuyên về mặt bằng cho thuê thì các mặt bằng kinh doanh trong ngõ ghi nhận tỷ lệ lấp đầy cao, nếu có mặt bằng trống thì chỉ cần chưa đến 1 tháng là sẽ tìm được khách thuê. Những môi giới như anh Toản luôn trong tình trạng không có nguồn hàng cho khách. Nguồn cung đang thấp hơn nguồn cầu của thị trường.
Cũng theo anh Toản, sở dĩ các mặt bằng trong ngõ nhỏ đắt khách vì giá thuê rẻ hơn hẳn so với các tuyến phố lớn, phù hợp với những mặt hàng không quá nặng về việc làm “thương hiệu” ở các tuyến phố lớn. Các mặt bằng này đều đã hình thành ở các nơi có cư dân đông đúc, đông người qua lại nên có lợi thế lớn về việc tiếp cận khách hàng.
Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao Bộ phận cho thuê thương mại của Savills Hà Nội, cho biết trong quý 3, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tăng trung bình 5% mỗi năm trong 5 năm vừa qua.
Tuy nhiên, do không có nguồn cung mới, tổng nguồn cung đạt 1,7 triệu m2 vẫn duy trì ổn định theo quý và tăng 6% theo năm.
Kể từ năm 2020, không có trung tâm bách hóa mới gia nhập thị trường, nguồn cung trung tâm mua sắm tăng 2% mỗi năm. Khối đế bán lẻ có mức tăng trưởng cao nhất, đạt 5%/năm.
Về giá thuê, chuyên gia Savills cho biết khu vực trung tâm có giá thuê tăng cao. Cụ thể, giá thuê gộp tầng trệt đạt 977.000 đồng/m2/tháng, tăng 2% theo quý và 5% theo năm. Giá thuê tầng trệt tại khu vực trung tâm đạt 3,1 triệu đồng/m2/tháng, tăng 9% theo quý và 23% theo năm.
Các thương hiệu bán lẻ cao cấp tìm kiếm các mặt bằng xung quanh Nhà hát lớn và khách sạn Metropole đẩy giá thuê tại khu vực này tăng cao. Trong khi đó, giá thuê tại các khu vực khác của quận Hoàn Kiếm duy trì ổn định.
Công suất thuê đạt 90%, tăng 1 điểm % theo quý nhưng giảm 4 điểm % theo năm.
Bà Minh cho rằng công suất thuê trung tâm mua sắm giảm do cạnh tranh gay gắt, các dự án mới ra mắt và cải tạo.
Xét về khu vực, phía tây có diện tích cho thuê mới cao nhất, đạt 22.300 m2. Khối đế bán lẻ có diện tích cho thuê mới cao nhất đạt 7.000 m2, tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Dự báo về xu hướng sắp tới, chuyên gia Savills cho biết ngành thời trang và mỹ phẩm chiếm 52% tổng số khách thuê, tiếp đến là ngành thực phẩm F&B (25%) và các dịch vụ phục vụ đời sống khác (12%). Trong khi khách thuê thuộc lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm và ăn uống bao gồm cả trong nước và quốc tế, thì khách thuê lĩnh vực dịch vụ đời sống và giải trí chủ yếu là nội địa. Thương hiệu cao cấp được dự đoán sẽ gia nhập thị trường, một số sẽ là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thị trường châu Á được dự báo sẽ tăng mức chi tiêu cho dịch vụ ăn uống lên gấp đôi từ 4.000 tỉ USD trong năm 2019 lên đến hơn 8.000 tỉ USD trong năm 2030, đòi hỏi một khoản đầu tư trị giá 1.550 tỉ USD trong thập kỷ tới để đáp ứng với nhu cầu thị trường.
Một số trung tâm mua sắm và mặt bằng bán lẻ đã điều chỉnh nhằm đưa ra các dịch vụ giải trí và trải nghiệm cho khách hàng trẻ tuổi.
Nói về triển vọng, theo bà Minh, trong quý 4.2022, 78.600m2 từ 7 dự án được sẽ gia nhập thị trường. Khu vực nội thành có 4 dự án, tiếp theo đó là khu vực trung tâm, khu vực phía tây và khu vực khác mỗi nơi có 1 dự án. Trung tâm mua sắm sẽ chiếm 62% và khối đế bán lẻ chiếm 38% tổng nguồn cung tương lai.
Bất động sản dành cho bạn