Theo nhận định của các chuyên gia, bất động sản công nghiệp miền Bắc đang thu hút các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Một số yếu tố chính là do hạ tầng tốt, chính sách hấp dẫn, dư địa lớn,... đã giúp cho BĐS công nghiệp khu vực phía Bắc thu hút nhà đầu tư.
Việc mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông đang tiếp tục được quy hoạch hiện đại có ảnh hưởng rất tích cực đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp vào BĐS công nghiệp miền Bắc.
Tổng chiều dài tuyến đường cao tốc của miền Bắc kết nối các tỉnh phía Bắc và thủ đô là 895,8km. Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, dự kiến miền Bắc sẽ có 14 tuyến đường bộ cao tốc với tổng chiều dài khoảng 2,300 km. Một số chủ trương hạ tầng giao thông mới đang được miền Bắc phát triển nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho vận tải công nghiệp như đường Vành Đai 4 (2023 – 2026), cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng (2022 – 2026) và cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng (2023 – 2026). Về đường sắt, miền Bắc sở hữu 6 tuyến đường sắt, trong đó có các tuyến tiêu biểu như: Hà Nội – Hải Phòng (102km), Hà Nội – Lào Cai (296km), Hà Nội – Đồng Đăng (162km), trục Bắc – Nam (1.726km).
Ngoài ra, miền Bắc còn có hệ thống đường thủy nội địa khá phát triển như tuyến Quảng Ninh – Hải Phòng – Việt Trì qua sông Đuống (205,6 km); tuyến Hải Phòng – Ninh Bình qua sông Luộc (264 km); tuyến Hà Nội – Lạch Giang (194 km) và tuyến Cửa Đáy – Ninh Bình (72 km), bổ trợ vận chuyển các mặt hàng truyền thống có khối lượng lớn, chi phí thấp nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ Bắc – Nam. Hiện miền Bắc có 7 cảng hàng không chở khách, trong đó cảng hàng không quốc tế Nội Bài là nơi có nhà ga hàng hóa chuyên biệt với công suất 403.000 tấn hàng hóa/năm. Các cảng còn lại đang được triển khai đầu tư nâng cấp, mở các chuyến bay thẳng nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp đón hành khách và nhà đầu tư đến Việt Nam.
Theo ông Đào Thế Anh, Chủ tịch HĐQT Redsunland: “Miền Bắc có một lợi thế rất lớn về vị trí địa lý. Đặc biệt, việc có vị trí gần Trung Quốc đã giúp các khu công nghiệp miền Bắc thuận lợi đón xu hướng chuyển dịch sản xuất và chiến lược “Trung Quốc +1” của nhiều công ty đa quốc gia trong vài năm gần đây.”
Miền Bắc là khu vực nối liền với hành lang kinh tế phía Nam của Trung Quốc. Đây đều là các địa bàn sản xuất trọng điểm được chọn làm nơi đặt trụ sở của các ông lớn công nghiệp sản xuất, hóa sinh, thương mại và công nghệ điện tử gồm Thượng Hải, Hồng Kông, Thẩm Quyến, Phúc Kiến và Quảng Đông, tạo điều kiện cho việc xuất nhập khẩu nguyên vật liệu và hàng hoá. Đặc biệt, miền Bắc sở hữu tuyến đường bộ, thủy và sắt nối thẳng đến Thẩm Quyến – thung lũng silicon Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng và phân bổ sản xuất trong khu vực.
Chính sách thu hút đầu tư cởi mở, thông thoáng và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định, không ngừng được cải thiện là một trong những yếu tố rất lớn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp dành cho nhà đầu tư như “miễn 2 giảm 4”, “miễn 4 giảm 9” luôn thể hiện vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp FDI ở nước ta. Bên cạnh đó, việc các ngân hàng hỗ trợ vay vốn, đầu tư vào doanh nghiệp các khu công nghiệp, khu chế xuất không chỉ giúp các nhà đầu tư có thêm động lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn giúp ngân hàng khai thác lợi thế xuất nhập khẩu của các công ty này. Rất nhiều doanh nghiệp điện tử quy mô lớn và nổi tiếng trên thế giới đã tận dụng ưu đãi này và lựa chọn miền Bắc làm địa điểm đầu tư như Foxconn, Goertek, Luxshare, LG Display, Quanta Computer…
Ông Thế Anh nhận định, việc Việt Nam nói chung và miền Bắc nói riêng nỗ lực tận dụng các lợi thế về vị trí, dư địa phát triển, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ không những tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động lâu dài mà còn giúp doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu một cách thuận lợi.
So với miền Bắc, thị trường đất công nghiệp miền Nam được phát triển sớm và lâu đời hơn, do đó nguồn cung quỹ đất hiện ngày càng hạn chế. Ngược lại, nhờ vào sự thuận lợi của hệ thống cơ sở hạ tầng, các dự án khu công nghiệp có cơ hội phát triển rộng và trải dài từ Hà Nội đến các cảng biển, đi qua nhiều tỉnh thành phố, miền Bắc có nhiều quỹ đất hơn trong việc phát triển khu công nghiệp trong tương lai. Từ đó gia tăng nguồn cung và giữ giá thuê ổn định, tính cạnh tranh cao hơn.
Hiện Việt Nam có khoảng 563 khu công nghiệp nằm trong quy hoạch tại 61/63 tỉnh thành. Trong đó, khoảng 65% doanh nghiệp điện tử nước ngoài đặt cơ sở sản xuất tại các khu công nghiệp ở miền Bắc. Với tiềm năng của nguồn cung quỹ đất hay dư địa phát triển, một số tỉnh miền Bắc như Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang… được đánh giá là các trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng và Việt Nam nói chung.
Bất động sản dành cho bạn