Từng công việc, mốc thời gian cụ thể, đã được UBND TP.HCM và UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An thống nhất, ký kết để triển khai dự án.
Các địa phương có đường vành đai 3 TPHCM đi qua đã ký kết quy chế thực hiện dự án. UBND TPHCM cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy, Tổ giúp việc cho các dự án thành phần trên địa bàn, đồng thời lập Hội đồng cố vấn dự án để tư vấn, phản biện, góp ý...
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM là dự án về hạ tầng lớn nhất ở phía Nam từ trước đến nay, lại được triển khai trong thời gian ngắn nên cần tổ chức tốt để giảm đến mức thấp nhất các rủi ro phát sinh. Khu vực TP.HCM đang bị áp lực về thời gian vì vậy cần tập trung mọi nguồn lực để chuẩn bị...
Theo đó, UBND TPHCM chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Chính phủ ban hành Nghị quyết triển khai chủ trương đầu tư dự án vành đai 3 .
Về công tác phối hợp, UBND TPHCM (cơ quan đầu mối) chủ trì, phối hợp UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An thực hiện các nội dung liên quan dự án.
Đối với vốn, UBND TPHCM trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh vốn ngân sách Trung ương đã có (17.146 tỷ đồng) từ Bộ GTVT và giao vốn ngân sách Trung ương chưa được bố trí (14.233 tỷ đồng) về các tỉnh, thành phố để kịp thời triển khai thực hiện dự án.
Công việc tại các địa phương, sẽ chỉ đạo cơ quan tham mưu thống nhất khung tiêu chuẩn áp dụng cho toàn dự án, đảm bảo tính đồng bộ, chất lượng, thẩm mỹ; tổ chức lập hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu và các vật liệu xây dựng đảm bảo trữ lượng khai thác, chất lượng, tiến độ cung cấp phù hợp với tiến độ thực hiện các dự án thành phần; thống nhất về đơn giá bồi thường tại các khu vực giáp ranh đảm bảo sự tương đồng trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật…
Các địa phương sẽ tổ chức triển khai các dự án thành phần được giao theo thẩm quyền, các cơ chế đặc thù được phép áp dụng cho dự án và các quy định của pháp luật liên quan; rà soát nhu cầu tái định cư, xây dựng phương án bố trí tái định cư trên địa bàn tỉnh, thành phố đảm bảo tiến độ công tác thu hồi đất; xây dựng, công bố giá các loại vật liệu xây dựng đến chân công trình, đảm bảo khả năng cung ứng và phù hợp với mặt bằng giá thị trường.
UBND TPHCM sẽ thay mặt các tỉnh trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình triển khai thực hiện dự án.
Trong trường hợp cần điều chỉnh theo quy định, UBND TPHCM là cơ quan đầu mối thực hiện công tác tổng hợp liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An có trách nhiệm báo cáo UBND TPHCM các nội dung điều chỉnh liên quan để UBND TP.HCM thay mặt báo cáo Chính phủ xem xét, trình cấp thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Trong trường hợp báo cáo đột xuất các vấn đề cần tháo gỡ, UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đề xuất UBND TPHCM làm đầu mối trao đổi, phối hợp với Tổ công tác Chính phủ để kịp thời giải quyết các vướng mắc chung của toàn dự án .
Hàng năm, UBND các tỉnh có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện các dự án thành phần để UBND TPHCM tổng hợp trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình triển khai thực hiện dự án.
Hiện TPHCM cùng các địa phương đã xây dựng kế hoạch tổng thể dự án và ký kết quy chế triển khai dự án để đảm bảo tiến độ đề ra. Dự kiến trong tháng 7, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết triển khai dự án để cụ thể hóa các cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã thông qua.
UBND TPHCM cùng UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An cũng đã đề xuất Chính phủ thêm một số cơ chế để đẩy nhanh tiến độ của dự án và sớm khởi công công trình (sớm hơn nửa năm so với kế hoạch ban đầu), dự kiến tháng 6/2023.
Hiện nay, TPHCM cùng với các địa phương đã khẩn trương phối hợp triển khai nhanh các đầu việc tiếp theo. Cụ thể: Hoàn thành dự thảo nghị quyết triển khai dự án, bàn giao hồ sơ cho các địa phương thực hiện những đầu việc liên quan, chuẩn bị đo vẽ, kiểm kê, thống kê ranh dự án, hoàn thiện việc tổ chức bộ máy điều hành của các địa phương.
Các địa phương sẽ tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao ranh giải phóng mặt bằng từ tháng 8/2022; phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, ban hành quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong tháng 3/2023. Việc bắt đầu bàn giao mặt bằng từ ngày 1/10/2022 đến 30/12/2023 (trong đó bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng) và đến tháng 3/2023 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng.
Theo kế hoạch phối hợp, tháng 6/2023, các địa phương phấn đấu khởi công dự án. Thi công hoàn thành, thông xe kỹ thuật tuyến cao tốc vào tháng 10/2025.
Dự kiến đến tháng 6/2026 sẽ thi công hoàn thành toàn bộ dự án. Bàn giao, quyết toán dự án hoàn thành vào năm 2027.
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia Hội đồng Cố vấn của dự án lưu ý TP HCM, các địa phương về vấn đề bồi thường, GPMB cũng như yếu tố kỹ thuật áp dụng cho dự án.
PGS-TS Phạm Xuân Mai nhấn mạnh dự án Vành đai 3 rất phức tạp về yếu tố không gian, địa lý, nhiều thành phần, hạng mục, thời gian thực hiện nhanh. Do đó, cần xây dựng lộ trình chi tiết để tiết kiệm chi phí, bảo đảm tiến độ thực hiện. Ngoài ra, cần áp dụng mô hình TOD (phát triển thành phố theo định hướng giao thông công cộng) vào dự án này, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán. Có như vậy mới giảm ngân sách đầu tư cho dự án.
TS Hà Ngọc Trường cũng cho rằng mô hình TOD nên áp dụng để thành phố có nguồn vốn đầu tư các công trình giao thông tương tự. Bên cạnh đó, thành phố nên triển khai song song các thủ tục và phải kiên quyết với các trường hợp không chịu bàn giao mặt bằng.
Ông Trần Phương Hùng, Phân viện Khoa học Giao thông Vận tải phía Nam, lưu ý dự án phải thực hiện trong khoảng thời gian ngắn, thành phố nên lưu ý thêm tính hiệu quả, phù hợp của công nghệ sử dụng cho dự án.
Theo một số chuyên gia, để công tác GPMB thuận lợi phải phát huy vai trò cơ sở của UBND phường - xã có dự án đi qua, thành phố nên điều tra xã hội chi tiết từng hộ dân bị ảnh hưởng để tạo sự đồng thuận cao. Ngoài ra, việc khai thác quỹ đất dọc 2 bên tuyến cần phải sớm đồng bộ trong quy hoạch.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi ghi nhận các ý kiến đóng góp và cho biết sau hội nghị, thành phố sẽ thành lập ban chỉ đạo GPMB, đồng thời xây dựng kế hoạch tổng thể, chi tiết cho dự án cũng như tập trung công tác tuyên truyền GPMB đến các hộ dân bị ảnh hưởng, chuẩn bị nguồn vốn cho dự án.
Bất động sản dành cho bạn