Ngân hàng Nhà nước đang có kế hoạch bổ sung nhiều quy định nhằm siết chặt hoạt động cho vay liên quan đến việc sử dụng vốn vay tiêu dùng, sinh hoạt liên quan đến bất động sản nhằm kiểm soát rủi ro.
Theo báo cáo của Đất Xanh Services, trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản Hà Nội duy trì trạng thái hạn chế nguồn cung. Còn tại thị trường TP.HCM, số lượng dự án mới giảm mạnh do các khó khăn về thủ tục pháp lý, quỹ đất và nguồn vốn đầu tư.
Theo nhận định của NHNN, thực tế thời gian qua ghi nhận một số tổ chức tín dụng cho khách hàng cá nhân vay với mục đích tiêu dùng, sinh hoạt liên quan đến bất động sản với số tiền lớn. Điều này tiềm ẩn rủi ro nếu xảy ra biến động trên thị trường bất động sản. Đặc biệt, về cho vay thanh toán tiền đặt cọc, nhiều tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho khách hàng để đặt cọc hướng đến các công ty này chuyển nhượng bất động sản hình thành trong tương lai.
Tuy nhiên, hầu hết dự án bất động sản sẽ chuyển nhượng chưa đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật như: Chưa có giấy phép xây dựng, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Sau khi ngân hàng cấp tín dụng, khách hàng và chủ đầu tư hủy hợp đồng đặt cọc do không hoàn thiện được thủ tục pháp lý để ký hợp đồng chuyển nhượng. Do đó, việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn khó khăn, tiềm ẩn rủi ro.
Dự báo về xu hướng thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm 2022, giá căn hộ tại Hà Nội giữ xu hướng tăng do chi phí đầu vào tăng. Sản phẩm nhà thấp tầng vẫn chiếm chủ đạo cho nguồn cung sắp tới. Còn tại TP.HCM, nguồn căn hộ dự kiến giảm so với nửa đầu năm 2022. Số lượng dự án thấp tầng tiếp tục hạn chế do ưu tiên quy hoạch phát triển nhà cao tầng.
Về nguồn vốn cho bất động sản, ông Phạm Anh Khôi - Giám đốc điều hành Công ty tài chính FINA nhận định: Ngân hàng Nhà nước có động thái kiểm soát chặt tín dụng đổ vào bất động sản giúp thanh lọc thị trường. Riêng trong Quý 2/2022, hoạt động đầu cơ bất động sản đã giảm mạnh.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần FiinGroup, việc kiểm soát rủi ro tín dụng là cần thiết nhằm kiểm soát nguồn vốn chảy vào hoạt động rủi ro cao như đầu cơ đất nền. Tuy nhiên, ông Thuân cho rằng việc này không quá nghiêm trọng vì nguồn vốn từ tín dụng ngân hàng chỉ chiếm phần nhỏ.
"Tín dụng từ khách hàng và các đối tác kinh doanh của các chủ đầu tư bất động sản mới là lớn. Mười đồng thì chỉ có 1,5 đồng là từ ngân hàng, còn 3,5 đồng là từ khách hàng mua pre-sale, còn lại là từ hợp đồng hợp tác kinh doanh với khách hàng hoặc với đối tác" - ông Thuận cho biết.
Bất động sản dành cho bạn