Thị trường bất động sản ổn định, nhà đầu tư kiên nhẫn chờ tăng giá và thị trường sôi động trở lại.
Bước sang đầu quý IV/2023, những tháo gỡ về chính sách đã giúp thị trường bất động sản bắt đầu có những kết quả khả quan. Thị trường dần xuất hiện những tín hiệu tích cực, ít còn tình trạng cắt lỗ bất động sản mà chờ thị trường hồi phục và sôi động trở lại để thanh khoản sản phẩm.
Đầu năm 2023, anh Nguyễn Đức Công (Phủ Lý, Hà Nam) rao bán lô đất thổ cư ở Hà Nam đã có công trình nhà cấp 4 có thể đưa vào sử dụng ngay. Anh Công đã cắm biển quảng cáo ngay tại lô đất và gửi thông tin để công ty môi giới rao bán với mong muốn nhanh chóng cắt lỗ. Tuy nhiên, đến tháng 5.2023, anh vẫn không bán được đất.
Sau nhiều lần rao bán không thành, cộng thêm việc thị trường bất động sản có những tín hiệu tích cực, anh Công đã quyết định tạm dừng rao bán đất.
"Hiện nay, thị trường bất động sản không còn tình trạng giảm giá sâu nên tôi quyết định giữ đất, chờ thị trường có giá tốt mới bán. Đất mặt đường có vị trí đẹp mà giờ bán bị lỗ hàng trăm triệu đồng” - anh Công cho hay.
Theo anh Nguyễn Thành Văn - môi giới nhà đất ở Hà Nam, nhiều khách hàng trước đây ký gửi nhờ anh rao bán hộ đất để cắt lỗ nay tạm dừng chờ tín hiệu của thị trường bất động sản.
“Thực tế, đa số thông tin rao bán cắt lỗ, giảm sâu là chiêu trò của môi giới không chuyên. Nhà đầu tư chỉ cần đến trực tiếp hỏi giá là biết ngay, giá cắt lỗ mà môi giới quảng cáo vẫn ngang ngửa với giá trên thị trường, không có chuyện giảm sâu” - anh Văn cho hay.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội - nói rằng, những phân khúc bất động sản có giá trị ở thực và đem lại dòng tiền ổn định sẽ không giảm giá nhiều bởi nguồn cung khan hiếm, trong khi nhu cầu của người dân ngày càng cao. Đặc biệt như phân khúc chung cư ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM giá chỉ đi ngang, khó có chuyện giảm giá.
“Hiện nay, thanh khoản thị trường bất động sản vẫn còn khá “èo uột” nhưng giá chỉ đi ngang hoặc giảm ít chứ không giảm sâu. Nhà đầu tư có đất hiện nay nếu không quá “chật vật” về tài chính hoặc bị sức ép trả lãi sẽ không bán bất động sản để cắt lỗ. Những trường hợp rao bán cắt lỗ hiện nay chủ yếu là chiêu trò của môi giới hoặc chủ đất để thu hút nhà đầu tư” - ông Điệp nói.
Theo ông Điệp, nhà đầu tư có nên “xuống tiền” vào thời điểm này hay không ngoài yếu tố thị trường còn phụ thuộc vào nguồn tài chính của mỗi người. Nếu nhà đầu tư đang có dòng tiền ổn định, không cần vay nợ hoặc vay ít thì đây là cơ hội để chọn lựa sản phẩm bất động sản có tính thanh khoản tốt để phục vụ nhu cầu thực hoặc chờ thị trường phục hồi giá tốt để bán.
Dù tín hiệu thị trường có nhiều điểm tích cực và các động thái tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, địa phương đang được đẩy mạnh, nhưng các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn.
Kết quả khảo sát mới nhất của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cũng chỉ ra, 50% doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn lớn nhất về giao dịch, tiếp đến là khó khăn về pháp lý đất đai; vốn, thị trường trái phiếu, tín dụng với lần lượt 21%, 22% doanh nghiệp được khảo sát lựa chọn.
Dữ liệu từ khảo sát của VARS thể hiện, có tới 20% sàn đối diện nguy cơ giải thể, phá sản, 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì. Phần còn lại có khả năng chống đỡ, nhưng sức chống chịu không cao.
VARS đưa ra nhận định đáng lo ngại rằng nếu tình hình khó khăn trên thị trường BĐS tiếp tục duy trì, có tới 25% doanh nghiệp chỉ có thể trụ được tới hết quý 3.2023, nếu khó khăn tiếp tục duy trì đến hết năm 2023, số lượng doanh nghiệp có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao.
Trước những khó khăn như vậy, VARS cũng đề xuất các giải pháp phải thật sự cụ thể, chi tiết và mạnh tay hơn nữa từ phía Chính phủ, các bộ ngành. “Các hành động này phải thật nhanh, thật mạnh, thật dứt khoát và triệt để đến khi nào các vấn đề của thị trường được giải quyết hết mới thôi. Tránh tình trạng ngắt quãng, đứt đoạn khiến đà phục hồi bị mất”, VARS nêu.
Đưa ra dự báo về sự phục hồi của thị trường, trong báo cáo cập nhật mới đây, nhóm phân tích Chứng khoán VNDirect đánh giá, khó khăn lớn nhất của thị trường BĐS đã qua, tuy nhiên những thách thức vẫn còn đó và thị trường kỳ vọng ấm dần lên vào nửa cuối 2024.
Đơn cử như rủi ro thanh khoản của các doanh nghiệp vẫn ở mức cao, mặc dù có dấu hiệu tích cực từ các doanh nghiệp BĐS trong việc chủ động mua lại trước hạn các khoản trái phiếu doanh nghiệp…
Còn theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VPBank, những động thái về chính sách của Chính phủ cho thấy sự chủ động và kỳ vọng hồi phục nhanh hơn so với chu kỳ trước đây. So sánh giai đoạn 2008 - 2014 và giai đoạn hiện nay cho thấy các tín hiệu vĩ mô đang báo hiệu điểm đảo chiều không còn quá xa.
Ở góc độ chuyên gia, TS Lê Bá Chí Nhân cho rằng để thị trường BĐS hồi phục vào năm 2024 là khá sớm. Theo vị chuyên gia, việc hồi phục tuỳ thuộc vào tốc độ tháo gỡ khó khăn và các biến số khác của thị trường và cũng tuỳ thuộc vào từng phân khúc. Tuy nhiên, nhìn chung để thị trường hồi phục có thể phải rơi vào năm 2025.
Ông Nhân cũng cho rằng ngoài yếu tố nguồn vốn và pháp lý thì một vấn đề rất cần chú trọng để thị trường phục hồi là niềm tin của người dân.
“Tiền trong dẫn vẫn nhiều, nhưng nếu họ không có niềm tin, không đầu tư thì thị trường cũng khó sôi động trở lại”, ông Nhân nói.
Bất động sản dành cho bạn