Hiện nay, tình trạng phân lô, bán nền vẫn diễn ra khá rầm rộ. Tuy nhiên, lượng giao dịch thực tế có tỉ lệ thấp và đa số là giao dịch giữa các nhà đầu tư với nhau.
Loại hình bất động sản phân lô, bán nền tăng đột biến vào năm 2021, tập trung chủ yếu ở một số địa bàn "có tin" về các đại dự án hạ tầng sẽ được triển khai như: Vành đai 3,5; vành đai 4; các dự án đô thị của các tập đoàn lớn hay việc thúc tiến độ xây dựng Khu Công nghệ cao Hoà Lạc; việc Đại học Quốc gia Hà Nội chuẩn bị đưa sinh viên lên học tại cơ sở Láng - Hoà Lạc…
Theo đó, nhiều huyện ven trung tâm của TP.Hà Nội như Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì hay thị xã Sơn Tây… cho phép chuyển đổi những khu đất trồng cây lâu năm hàng nghìn mét vuông sang đất ở, san lấp hồ ao, sông suối. Đáng nói, ngay sau khi chuyển đổi thành công, các khu đất này lại được tách thành những thửa đất diện tích 60m2đến 100m2và được rao bán tràn lan.
Đáng chú ý, UBND TP.Hà Nội nhận định, thị trường bất động sản đang tương đối khan hiếm nguồn cung do những vướng mắc pháp lý, chậm phê duyệt dự án đầu tư. Thực trạng phát triển các dự án bất động sản tại Hà Nội trong khoảng thời gian 2-3 năm trở lại đây rất chậm, gần như không có dự án mới được phê duyệt đầu tư; sản phẩm bất động sản nhà ở mới được chào bán chủ yếu là các dự án đã được phê duyệt từ giai đoạn trước.
Trong lượng cung mới từ các dự án bất động sản tại Hà Nội, phân khúc nhà chung cư chủ yếu được chào bán là phân khúc trung và cao cấp, phân khúc bình dân hiện chiếm tỉ trọng rất nhỏ.
Sản phẩm phân khúc trung và cao cấp tiêu thụ rất chậm, đặc biệt ở phân khúc cao cấp. Lượng cung phân khúc đất nền (phân lô, bán nền) xuất hiện với số lượng lớn chủ yếu do người dân tham gia chào bán, có thể kể đến các địa bản như: Tây Sơn, Ba Vì, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và Thanh Trì. Tuy nhiên, lượng giao dịch thực tế chỉ đạt tỉ lệ thấp, đa số là giao dịch giữa các nhà đầu tư với nhau.
Cũng theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, hiện chưa thấy hiện tượng dự án BĐS giảm giá. Cả trước, trong và sau dịch bệnh, giá bán căn hộ chung cư trung và cao cấp gần như không có biến động. Có một số dự án thuộc phân khúc bình dân hiện tại giá đã được đẩy lên chạm ngưỡng phân khúc trung cấp. Giá nhà ở thấp tầng tại các dự án do khan hiếm hàng và thuộc dòng sản phẩm được ưa chuộng nên giá có biến động tăng. Giá đất nền tại các nhiều quận, huyện, thị xã cũng có xu hướng tăng.
Nguyên nhân là do một số quy định của pháp luật về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đã cản trở sự phát triển của các dự án gây khó khăn cho cho các chủ đầu tư đã được giao thực hiện nhưng nay chưa thể triển khai.
Chủ đầu tư các dự án nhà ở chưa tập trung nguồn lực triển khai thực hiện đúng tiến độ, thực tế có nhiều dự án chậm phải điều chỉnh, giãn tiến độ. Dịch COVID -19 kéo dài làm việc triển khai của các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP chậm, tạo không ít khó khăn cho các chủ đầu tư trong việc đảm bảo tiến độ hoàn thành chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của TP đề ra.
Công tác triển khai đầu tư xây dựng các dự án nhà ở tại các khu chung cư cũ chưa được thuận lợi do ảnh hưởng bởi chính sách pháp luật, quy hoạch và sự đồng thuận của người dân.
Đáng chú ý, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại chủ yếu tập trung tại các quận nội thành dẫn đến giá thành nhà ở bị đẩy lên cao. Việc đầu tư xây dựng nhà ở giá thấp và trung bình chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Đồng thời, do thị trường BĐS chưa đa dạng về phân khúc và tương đối hạn chế về nguồn cung dẫn đến giá BĐS có xu hướng ngày càng tăng.
Bất động sản dành cho bạn