Hiện nhiều doanh nghiệp đang dần chuyển hướng thuê văn phòng, do đó các nhà đầu tư trong lĩnh vực này đang điều chỉnh nhiều yếu tố để cạnh tranh và giữ chân khách hàng.
Hoạt động cho thuê văn phòng trong thời gian vừa qua được ghi nhận sôi động trở lại với các giao dịch về mở rộng hoặc chuyển dịch văn phòng. Thị trường đồng thời ghi nhận xu hướng chuyển dịch về nhu cầu từ phía khách thuê, buộc chủ đầu tư văn phòng thay đổi để giữ chân khách thuê, đặc biệt các công ty lớn, các tập đoàn đa quốc gia.
Để hiểu được rõ hơn về sự dịch chuyển nhu cầu của khách thuê và tìm ra những yếu tố giữ chân khách thuê văn phòng hiệu quả, Ông Matthew Powell- lãnh đạo Savills Việt Nam thị trường văn phòng đang hưởng lợi nhờ nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam gia tăng trong thời gian vừa qua.
Theo đó, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến 20/4/2024, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế đến nay, cả nước có 40.049 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 478,58 tỷ USD.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 6,15 tỷ USD, chiếm gần 66,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 19,8% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 1,73 tỷ USD, chiếm gần 18,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 78,2% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; vận tải kho bãi với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 451,4 triệu USD và gần 383,2 triệu USD.
Dòng vốn FDI tăng trưởng và đa dạng về ngành hàng đi kèm chỉ số niềm tin kinh doanh tiếp tục ở mức khả quan đã cho thấy Việt Nam là thị trường tiềm năng cho nhiều loại hình doanh nghiệp, từ đó kéo theo nhu cầu về văn phòng càng gia tăng.
Hoạt động cho thuê văn phòng trong quý I/2024 diễn ra sôi động. Trong đó, các khách thuê nhóm ngành công nghệ thông tin, sản xuất và luật giữ tỷ lệ cao.
Tuy nhiên, nhu cầu cao không phải dành cho tất cả các phân hạng văn phòng. Nhu cầu hiện nay tập trung ở phân khúc văn phòng chất lượng cao, bởi khách thuê có những yêu cầu khắt khe hơn đối với văn phòng. Họ cần văn phòng đảm bảo chất lượng tốt, một môi trường làm việc tốt để thu hút và giữ chân nhân tài.
Vì vậy, xu hướng dần chuyển dịch sang các tòa nhà được chứng nhận xanh, với không gian chất lượng và đầy đủ tiện nghi. Do đó, các chủ đầu tư văn phòng phải theo kịp và đảm bảo cung cấp mặt bằng tiêu chuẩn chất lượng để đáp ứng thị hiếu chung.
Xu hướng hiện nay, hầu hết các khách thuê ưa chuộng khu vực trung tâm các thành phố lớn, nơi có những dự án mới chất lượng cao, giá thuê phù hợp và gần trung tâm.
Có thể thấy, xu hướng lựa chọn văn phòng của khách thuê phụ thuộc vào nhiều yếu tố và giá cả không phải là yếu tố duy nhất mà doanh nghiệp cân nhắc, nhất là với các khách thuê có xu hướng nâng cấp văn phòng lên các tòa nhà hạng A.
Đối với nhiều công ty, việc chuyển đến các tòa nhà văn phòng có chứng nhận xanh là ưu tiên hàng đầu hoặc thậm chí là yêu cầu bắt buộc, bởi đó là một phần trong cam kết ESG toàn cầu với các cổ đông của họ và cả các quy định pháp luật liên quan.
Đôi khi các công ty sẵn sàng trả thêm phí để có tòa nhà chất lượng tốt hơn với chứng nhận xanh, mang lại môi trường làm việc hiệu quả cho nhân viên và xây dựng hình ảnh thương hiệu tích cực đối với khách hàng. Vì vậy, mặc dù giá cả rõ ràng là một yếu tố rất quan trọng, nhưng nó không phải yếu tố quyết định.
Chuyên gia Savills đã ghi nhận sự khác biệt giữa các tòa nhà được chứng nhận xanh và các tòa nhà không được chứng nhận.
Các tòa nhà cũ, không đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh hiện sẽ đứng trước áp lực giảm giá thuê lớn hơn khi không thể cạnh tranh với các tòa nhà có chứng nhận xanh. Bằng chứng là một số chủ nhà, đặc biệt đối với văn phòng hạng B, đã phải giảm giá thuê để giữ chân khách trong khi đó các toà nhà hạng sang vẫn giữ được mức giá thuê ổn định.
“Yếu tố giá cả rõ ràng là quan trọng. Nhưng giống như bất kỳ thứ gì khác, nhiều người sẵn sàng trả tiền cho những trải nghiệm chất lượng. Giống như việc mua xe hơi, quần áo hoặc túi xách, đôi khi sự chênh lệch về giá là có thể chấp nhận đối với các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao hơn”, ông Matthew Powell cho hay.
Theo chuyên gia Savills, thị trường văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều điểm mạnh, với các mặt bằng văn phòng lớn đi kèm thị trường thương mại lớn hơn. Giá thuê văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn giữ mức cao hơn Hà Nội, đặc biệt là tại các dự án trong khu vực quận 1.
Tuy nhiên, thị trường Thành phố Hồ Chí Minh trước đây hầu hết tập trung tại một khu vực là quận 1, nơi mang tới nguồn cung văn phòng chủ yếu. Tuy nhiên, hiện nay thị trường này đã có ghi nhận về sự dịch chuyển sang khu vực Thủ Thiêm, với nguồn cung văn phòng mới, mặt sàn lớn và nhiều dự án đạt chứng chỉ xanh.
Trong khi đó, câu chuyện tại Hà Nội lại có sự khác biệt. Hà Nội có sự phát triển trải rộng hơn về thị trường văn phòng, khi đã có những địa điểm khác nhau tập trung dự án thương mại như Hoàn Kiếm, Ba Đình, phía Tây Hà Nội và sắp tới sẽ là khu vực Tây Hồ Tây.
Tuy nhiên, hiện công suất cho thuê tại các dự án thuộc khu vực Hoàn Kiếm và Ba Đình là khá cao. Vì vậy, các tòa nhà mới dự kiến sẽ ra mắt trong thời gian tới như Grand Terra, Taisei Square Hà Nội, Tiến Bộ Plaza và BRG Diamond Park Plaza sẽ là nguồn cung mới, tạo thêm sự sôi động đối với các hoạt động thương mại.
Các chuyên gia cũng cho rằng giá thuê văn phòng tại Hà Nội khó có khả năng vượt qua thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai.
Theo đó, ghi nhận của Savills Châu Á – Thái Bình Dương vào nửa cuối năm 2023, giá thuê văn phòng Hạng A tại Hà Nội trong tương quan với khu vực vẫn ở mức trung bình, tại ngưỡng 41.7 USD/m2/tháng (đã bao gồm thuế và phí dịch vụ). Trong khi đó, số liệu này ghi nhận tại thành phố Hồ Chí Minh là 63.2 USD/m2/tháng.
Đặc biệt, với nguồn cung Hạng A mới tại Hà Nội dự kiến sẽ tăng trong thời gian tới, giá thuê sẽ tiếp tục ở mức cạnh tranh.
Đối với các tòa nhà riêng lẻ được ưa chuộng hoặc có chất lượng tốt, có thể yêu cầu mức giá cao hơn, nhưng sẽ không cao hơn đáng kể so với các lựa chọn thay thế. Vì vậy, trong thời gian tới Hà Nội sẽ duy trì mức giá thuê hợp lý với các mặt bằng chất lượng cao.
Đồng thời, các chuyên gia cũng cho rằng chi phí đầu tư cho các tòa nhà xanh là chi phí đầu tư mang tính dài hạn. Trong khi đó, câu chuyện về giảm giá là câu chuyện ngắn hạn. Vì khách thuê văn phòng thường sử dụng lâu dài, tối thiểu 5-10 năm, thậm chí lâu hơn.
Vậy nên, những tòa nhà văn phòng xanh được phát triển bền vững là yếu tố hết sức quan trọng để chủ đầu tư giữ được khách thuê ở lại lâu dài. Như vậy, bài toán hiện tại dành cho chủ đầu tư các dự án xanh chính là đầu tư dài hạn.
Bất động sản dành cho bạn