Trong bối cảnh các kênh đầu tư đều gặp "khó": chứng khoán chao đảo, trái phiếu doanh nghiệp nhiều rủi ro, giá vàng trồi sụt khó đoán…, nhà đầu tư băn khoăn tìm lời giải cho bài toán: bỏ tiền vào đâu để gia tăng dòng vốn?
Ổn định chính trị và kinh tế phục hồi nhanh sau đại dịch là yếu tố then chốt quyết định mức độ hấp dẫn của Việt Nam với vốn đầu tư nước ngoài. GDP trong 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,73%; lạm phát cơ bản tăng 1,88%. Ngoài tập trung phát triển hạ tầng, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại, ưu đãi về thu nhập doanh nghiệp, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thu hút người lao động nhờ một số Nghị định liên quan đến nhà ở xã hội trong khu công nghiệp, tận dụng hiệu quả ưu thế vốn có về lực lượng lao động dồi dào.
9 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận sự khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực; GDP tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng cao nhất trong vòng một thập kỷ qua. Kim ngạch xuất khẩu, giải ngân vốn FDI, thu ngân sách… đều đạt kết quả khả quan nhờ loạt quyết sách, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ.
Tuy nhiên, các kênh đầu tư phổ biến liên tục gặp biến động do chịu ảnh hưởng từ sự bất ổn của nền kinh tế thế giới. Sắc đỏ bao trùm phần lớn thị trường chứng khoán với tốc độ lao dốc nhanh chóng cùng dòng vốn giao dịch liên tục sụt giảm. Các chuyên gia nhận định thời điểm hiện tại vẫn khó "dò đáy" thị trường chứng khoán do chưa biết được quá trình giảm khi nào sẽ kết thúc.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính liên tục cảnh báo nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau nhiều vụ việc sai phạm bị xử lý. Giá vàng tăng giảm thất thường và bị chi phối mạnh bởi thị trường quốc tế khiến kim loại quý này không còn là kênh trú ẩn an toàn giúp nhà đầu tư tránh khỏi sự trượt giá của đồng tiền. Kênh gửi tiết kiệm ngân hàng có nhiều dấu hiệu khả quan hơn do lãi suất tiền gửi tăng, tuy nhiên vẫn được đánh giá là kém hấp dẫn do lợi nhuận tăng trưởng chậm.
Với thực tế giá nhà đất hiếm khi giảm trong suốt 40 năm qua, bất động sản vẫn được nhận định là kênh đầu tư hấp dẫn, là đích đến an toàn cho dòng tiền về dài hạn. Trên 4 triệu người dùng trong hơn 2 năm (từ 1/2020 đến 6/2022), bất động sản có chỉ số tăng giá cao nhất, sau đó mới đến vàng, chứng khoán và tiền gửi tiết kiệm.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) 8 tháng đầu năm 2022 cũng cho thấy bất động sản là lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đứng thứ 2 trong các ngành, đạt 3,5 tỷ USD (tương đương 19%) trên số tổng là 18,7 tỷ USD. Nếu so với thời điểm đầu năm (tính đến 20/1), vốn FDI vào bất động sản đã tăng hơn 19 lần.
"Ở trường hợp an toàn nhất, một bất động sản vẫn có tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 10-15%/năm, cao hơn hẳn so với gửi tiết kiệm ngân hàng. Hơn nữa nhà đất là tài sản bền vững nên chỉ cần lựa chọn đúng sản phẩm pháp lý sạch, đầy đủ sổ đỏ là có thể yên tâm bảo toàn tài sản trong cơn bão lạm phát" - anh Đức Hải, một nhà đầu tư chuyên nghiệp đến từ Hà Nội nhận định.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế dự báo, trong 6 tháng cuối năm, thanh khoản giảm toàn thị trường, đặc biệt giảm mạnh ở khu vực bất động sản chưa thể tạo ra dòng tiền khai thác, kinh doanh và các bất động sản giá trị lớn. Chuyên gia nhấn mạnh, việc giảm thanh khoản đã xuất hiện từ quý I nhưng đến bây giờ mới thực sự bắt đầu.
Cũng theo chuyên gia, bất động sản tại nhiều khu vực sẽ có khả năng giảm giá. Đó là các khu vực từng sốt đất, thu hút nhiều nhà đầu tư nhưng đến hiện nay việc đầu tư hạ tầng và khai thác kinh doanh không đạt kỳ vọng. Bên cạnh đó, đất nền nhiều khu vực ven TP. HCM cũng sẽ giảm giá.
"Sang đến năm 2023, thị trường bất động sản sẽ phục hồi cục bộ, xuất hiện đầu tư lướt sóng ở một số khu vực, các nhà đầu tư trung hạn bắt đầu giải ngân", ông Hiển dự báo.
Chuyên gia Đinh Thế Hiển cho biết, sẽ có nhiều điểm sáng giúp phục hồi thị trường 2023. Trong đó, kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển dù kinh tế thể giới còn nhiều bất ổn. Hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh, tạo động lực một số thị trường bất động sản. Đầu tư FDI tiếp tục tăng tạo động lực cho bất động sản công nghiệp và khu dân cư. Các chính sách mới ra đời giúp chuẩn hóa và minh bạch thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, tiến trình đô thị hóa vẫn phát triển tăng nhu cầu nhà ở đô thị.
Về xu thế đầu tư giai đoạn cuối năm 2022 - 2023, vị chuyên gia cho rằng du lịch có những tín hiệu tích cực nhưng chưa được nhà đầu tư quan tâm mạnh mẽ. Bất động sản phân lô tại các khu vực xa, khu vực nông nghiệp sẽ giảm thanh khoản mạnh và xuất hiện bán cắt lỗ từ 10 - 30%. Phong trào đầu tư farmstay sẽ suy thoái.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, thời gian qua, thị trường bất động sản cực sôi động do dòng tiền lớn đổ vào thị trường. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, từ các động thái từ vĩ mô, dòng tiền có tâm lý dè chừng.
“Hiện nay, thị trường bất động sản đã rất tốt hơn giai đoạn đóng băng trước kia, nhưng các yếu tố vĩ mô cũng đang tác động không nhỏ. Do đó, dòng tiền vào bất động sản đang cẩn trọng hơn giai đoạn trước. Theo đó, tình trạng lệch pha cung - cầu càng lớn, người bán nhiều nhưng người mua ít. Dòng vốn cực kỳ quan trọng đối với bất động sản, thị trường có sôi động hay không phải phụ thuộc vào điều này.
Do đó, thị trường giai đoạn này có thể đi ngang hoặc điều chỉnh phải tùy vào diễn biến tiếp theo. Nhưng sẽ lập tức sôi động mạnh khi dòng tiền được nới và quay trở lại, tức tình hình lạm phát được kiểm soát, lãi suất ngân hàng giữ mức ổn định và việc giải ngân dễ dàng hơn”, ông Điệp nhận định.
Bất động sản dành cho bạn