Tỷ lệ hấp thụ được dự báo sẽ tiếp tục tăng đều qua các quý và giá bán cũng sẽ được ghi nhận ở mức tăng trưởng khoảng 5-10% vào năm 2022.. Đó là nhận định của ông Hoàng Hữu Minh Dũng - Trưởng Ban R&D của BHS Group.
Các kênh đầu tư biến động đầu năm
Ông Hoàng Hữu Minh Dũng - Trưởng Ban R&D của BHS cho biết tình hình kinh tế - xã hội quý 1/2022 khởi sắc và đang có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch Covid-19. Điều này thể hiện qua một số chỉ số như GDP quý 1 ước đạt hơn 5%, tăng cao hơn so với quý 1/2021. Số lượt khách quốc tế tăng mạnh, đạt gần 91 nghìn lượt khách, tăng 89,1% so với quý 1/2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.318 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so với quý 1/2021. Giải ngân vốn FDI trong quý 1/2022 cao nhất trong vòng 5 năm qua, ước đạt 4.42 tỷ USD, tăng 7,8%. Tuy nhiên, chỉ số CPI và lạm phát tăng, cụ thể CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,81%. Nguyên nhân khiến hai chỉ số này tăng là do bất ổn chính trị thế giới, sự đóng mở cửa không đồng đều khiến chuỗi cung ứng đứt gãy và làm cho giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu tăng cao.
Những diễn biến trên đã tác động các kênh đầu tư trên thị trường thời điểm đầu năm. Trưởng Ban R&D của BHS cho biết trong quý 1/2022, các kênh đầu tư tài chính có sự biến động khá lớn. Cụ thể, kênh đầu tư chứng khoán đã giảm từ 1.526 điểm xuống 1.492 điểm, mất 34 điểm. Thứ hai là vốn hóa thị trường tiền điện tử đã mất khoảng 200 nghìn tỷ USD. Thị trường vàng trong quý 1/2022 tiếp tục tăng cao, giá vàng trong nước cũng ghi nhận mức giá kỷ lục mới là 73,4 triệu đồng/lượng vào khoảng đầu tháng 3 trước các thông tin bất ổn chính trị. Ngoài ra, tình hình lạm phát gia tăng trên toàn cầu khi lãi suất huy động trong những tháng đầu năm của một số ngân hàng có điều chỉnh mức tăng từ 0,1 – 0,3%. Lượng tiền gửi 2 tháng đầu năm đạt 13,64 triệu tỷ đồng, tăng 1,81% so với năm 2021.
Ông Huỳnh Hữu Minh Dũng nhấn mạnh, điều này cho thấy dòng tiền nhà đầu tư đang có sự thận trọng, tính toán các phương án an toàn hơn sau thời gian bùng nổ của các kênh đầu tư tài chính. Trong bối cảnh đó, hàng loạt các công trình giao thông lớn trên cả nước như Cầu Rào, cao tốc Bắc – Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, cầu Cửa Lục 1 (cầu Tình Yêu), cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, tuyến đường vào cảng hàng không Phù Cát… Cùng với đó, là hàng loạt dự án khác bắt đầu triển khai trong quý 1/2022 như sân bay Sa Pa, đường nối Hạ Long – Bắc Giang, cầu bắc qua cửa biển Thuận An, cầu Rạch Miễu 2… Những công trình giao thông trọng điểm, huyết mạch này sẽ có vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Tương lai của thị trường bất động sản
Nhìn nhận về sự phát triển của thị trường bất động sản trong năm 2022, ông Huỳnh Hữu Minh Dũng cho biết:
Với loại hình căn hộ, nguồn cung tương lai tại thị trường Hà Nội dự kiến sẽ đạt khoảng 10.000 – 11.000 căn trong năm 2022. Về phân khúc, nguồn cung sẽ chủ yếu là các sản phẩm hạng B, trong khi đó, hạng C vẫn sẽ tiếp tục khan hiếm do mặt bằng giá đã tăng cao và giá vật liệu xây dựng ít nhiều đang bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế, chính trị. Về khu vực, nguồn cung sẽ nằm tại các khu vực xa dần trung tâm như Nam Từ Liêm, Long Biên hay Gia Lâm từ các đại dự án do quỹ đất trung tâm đã khan hiếm. Do thị trường bất động sản vẫn tích cực, tỷ lệ hấp thụ được dự báo vẫn sẽ tiếp tục tăng đều qua các quý và giá bán cũng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 5 - 10% trong năm 2022. Tuy nhiên, nguồn cung có thể sẽ bị ảnh hưởng do các siết chặt về tín dụng cho vay bất động sản và các yếu tố kinh tế - chính trị vĩ mô.Đối với loại hình đất nền, biệt thự, liền kề, shophouse, từ các khu vực theo dõi, nguồn cung tương lai dự kiến sẽ có khoảng 17.000 sản phẩm trong năm 2022. Về phân khúc, nguồn cung sẽ chủ yếu là các sản phẩm đất nền, trong khi đó, các sản phẩm biệt thự - liền kề xây thô sẽ ít hơn do đất nền vẫn là sản phẩm được ưa chuộng và giá vật liệu xây dựng ít nhiều vẫn sẽ ảnh hưởng. Về khu vực, nguồn cung chủ yếu đến từ các tỉnh miền Bắc và Nam như: Hưng Yên, Đồng Nai hay Bình Dương. Tỷ lệ hấp thụ được dự báo vẫn sẽ tiếp tục tăng đều qua các quý và giá bán cũng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 8 - 15% trong năm 2022. Tuy nhiên, nguồn cung có thể sẽ bị ảnh hưởng do các siết chặt về tín dụng cho vay bất động sản và các cơ quan Nhà Nước bắt đầu kiểm soát thị trường chặt chẽ hơn.
Đối với bất động sản nghỉ dưỡng, ông Minh Dũng cho rằng phân khúc cao tầng dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 5.000-7.000 sản phẩm. Trong đó nguồn cung vẫn tập trung chủ yếu tại thị trường miền Trung với hơn 4.000 sản phẩm và nhiều nhất tại các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, TP. Đà Nẵng… Bên cạnh đó, các thị trường cần chú ý là Quảng Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu. Sức cầu dự kiến sẽ tăng nhẹ so với quý 1/2022 và tăng so với quý 4/2021 do thị trường du lịch bắt đầu phục hồi và nhu cầu nghỉ dưỡng lớn sau những đợt giãn cách kéo dài. Giao dịch chủ yếu đến từ những dự án có chủ đầu tư uy tín và đơn vị vận hành quốc tế cùng những chính sách cam kết lợi nhuận hấp dẫn. Tỷ lệ hấp thụ và giá bán dự kiến tăng nhẹ từ 3-5% do thị trường vẫn chưa hoàn toàn phục hồi cũng như các chủ đầu tư sẽ ra hàng dè chừng hơn.
Nguồn cung sơ cấp nghỉ dưỡng thấp tầng sẽ tiếp tục vẫn duy trì ổn định từ giờ đến cuối năm với nguồn cung dồi dào từ các giai đoạn tiếp theo của các dự án và sự ra mắt mới của một số dự án mới trên thị trường như Nghệ An, Phú Quốc, Bình Định… Về lực cầu của phân khúc này, ông Minh Dũng dự báo sẽ vẫn ở mức cao bởi sự mở cửa trở lại của thị trường du lịch, yếu tố lạm phát…. Tuy nhiên, việc siết tín dụng của các ngân hàng sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư và giá bán sẽ tiếp tục có xu hướng tăng.
Duy Bách
Bất động sản dành cho bạn