Nhiều doanh nghiệp bất động sản chọn phương án đầu tư chậm, xử lý hàng tồn, cấu trúc lại nợ, cắt giảm chi phí, không mở rộng quy mô trong 6 tháng cuối năm.
Một lãnh đạo một doanh nghiệp đang phát triển dự án căn hộ tại TP Thủ Đức cho hay: sức mua xuống thấp đến mức chủ đầu tư quyết định tạm đóng rổ hàng, chậm một vài nhịp để cấu trúc lại sản phẩm, thăm dò phản ứng của thị trường. Công ty chọn phương án dừng mở bán các đợt tiếp theo vì lo ngại lãng phí nguồn lực và tiêu tốn chi phí marketing vô ích. Do không bán được hàng, công ty gần như bế tắc về dòng tiền phát triển dự án mới, đồng thời không có vốn để xoay vòng các khâu chuẩn bị quỹ đất, "chạy" pháp lý cho dự án tiếp theo. "6 tháng cuối năm, doanh nghiệp chủ động giảm tốc chờ qua giai đoạn căng thẳng. Năm nay gần như không trông mong gì, đành cố thủ bảo toàn lực lượng chuẩn bị cho chặng đua 2023", ông chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp đứt gãy mọi nguồn lực cùng với việc siết tín dụng đến cùng lúc với việc bán hàng ế ẩm dẫn đến nguồn vốn vay ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng đều bị chặn đứng. Cánh cửa huy động vốn còn lại là từ đối tác nước ngoài cũng đầy thách thức, khó có cơ hội thành công. Nhiều công ty đã hạ mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm nay xuống còn một nửa so với kế hoạch đề ra sau khi tổng kết sơ bộ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm quá kém và cơ hội nửa năm còn lại gần như thu hẹp lại. Doanh nghiệp đồng thời phải chọn giải pháp cắt giảm chi phí và cắt giảm nhân sự, giảm lương và có nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động để chờ đến mùa cao điểm bán hàng cuối năm.
Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, đánh giá thực trạng của thị trường 6 tháng đầu năm là giá nhà cao, thanh khoản hạn chế, dòng tiền tắc nghẽn và xu hướng này có thể tiếp diễn trong những quý còn lại của năm. Ông Khương cho rằng sự tắc nghẽn dòng tiền khi khó tiếp cận vốn vay từ tháng 4 đến nay chỉ là một trong những khó khăn mới xuất hiện. Trong khi đó, áp lực lớn nhất mà doanh nghiệp địa ốc đau đầu chính là vướng mắc pháp lý kéo dài nhiều năm chưa được tháo gỡ. Đây cũng là yếu tố chủ chốt làm đội chi phí đầu vào, tăng chi phí tài chính, đẩy giá thành đầu ra ngày càng cao ngất ngưỡng. Ông cho rằng: "Cần có giải pháp đồng bộ từ khơi thông vốn đến khơi thông pháp lý mới có thể tháo gỡ cục diện khó khăn hiện nay cho thị trường địa ốc”
Bất động sản dành cho bạn