Chính sự nóng lên đột ngột của thị trường BĐS trong giai đoạn cuối năm 2021 khiến các nhà đầu tư dấy lên nỗi lo ngại nguy cơ "đóng băng”, hậu quả thường thấy sau mỗi kỳ tăng trưởng nóng.
Theo các nhà quan sát, hiện nay có một số dấu hiệu báo hiệu thời điểm khó khăn của thị trường BĐS bắt đầu.
Trái với tâm lý hồ hởi cách đây hơn vài tháng, một bộ phận nhà đầu tư rơi vào tình cảnh "đứng ngồi không yên" trước diễn biến của thị trường, nhất là khi khoản hàng tồn chưa có dấu hiệu tích cực thanh khoản.
Anh N.N.M (nhà đầu tư Hà Nội) cho biết: "Thị trường chỉ nóng bên ngoài nhưng bên trong rất lạnh. Có hàng đẹp rao bán mãi không thành công". Nhưng với anh M. điều lo ngại nhất chính là mức giá của nhiều loại BĐS đang từ từ hạ xuống.
"Không ít bạn bè tôi rao bán quá lâu mà chưa chuyển nhượng thành công đang hạ giá từ 10-30% mức giá lúc mua. Thời điểm, dân tình kháo nhau sốt đất, nhưng nhiều người rao bán không được. Đến giờ họ buộc phải hạ giá. Đã hạ giá nhưng còn chưa bán được. Có vẻ như tâm lý lo ngại dịch bệnh bùng phát khiến dân không dám mua. Mọi người ai cũng phòng thủ, lo ngại dịch bệnh năm sau bùng phát", anh M. cho hay.
Cũng trong tình cảnh như "ngồi trên đống lửa", chị Bùi Trang (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ: "Các diễn đàn rao bán đất, hiện tôi thấy sức nóng giảm hắn. Nếu như trước đây, chỉ cần có thông tin BĐS đẹp được chia sẻ, mọi người vào xin giá liên tục. Nhưng hiện tại thì có vẻ như tình hình giao dịch rất trầm lắng. Người quan tâm đã không còn nhiệt tình. Giá lô đất và nhà rao trong diễn đàn, tôi thấy đều giảm mạnh".
Trong những năm qua, nhiều khu vực giáp biển của huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy của Nam Định liên tục "sốt đất", giá đất tăng chóng mặt. Tuy nhiên, hơn 3 tháng trở lại đây, thị trường chững hẳn. Đáng chú ý, giá đất nền khu dân cư tại đây cũng đã hạ nhiệt.
Anh Nguyễn Văn Khải - một môi giới nhà đất tại huyện Hải Hậu, Nam Định - chia sẻ, khoảng hơn một tháng nay, riêng văn phòng giao dịch bất động sản của công ty anh đã có tới hàng trăm người gửi bán đất nền, chủ yếu là do áp lực tài chính.
"Thời điểm này năm ngoái, nhiều người đã vay tiền ngân hàng mua đất khi thấy thị trường sôi động. Nhưng, hiện tại, nợ ngân hàng đến thời gian phải trả, khiến nhiều chủ đất phải bán tháo", anh Khải nói.
Về giá đất nền hiện tại, anh Khải cho biết, các sản phẩm đất nền rao bán đang loạn giá. Với những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính tốt, giá đất được rao bán vẫn cao ngang thời điểm "sốt đất", thậm chí có khi cao hơn. "Một lô đất mặt đường trục chính của xã, đầu năm nay được giao dịch 1,3 tỷ đồng, thì hiện chủ đất rao bán 1,8 tỷ đồng", anh Khải nói.
Ở chiều ngược lại, chủ đất gặp khó về tài chính thì đưa ra mức giá đã cắt hết lời và có khi cắt cả vốn đến thu hồi tiền. "Lô đất 740m2 mặt đường ngõ xóm, thời điểm "sốt đất", chủ đất đòi bán với giá 3,7 tỷ đồng, tương đương 5 triệu đồng/m2. Nhưng hiện tại, do phải lo trả nợ ngân hàng nên chủ đất xác định bán với giá 2,3 tỷ đồng, tương đương 3 triệu đồng/m2", anh Khải kể.
Không chỉ Nam Định, thị trường bất động sản tại tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị… cũng có dấu hiệu giảm nhiệt rõ rệt những tháng gần đây. Tại các khu vực trước đây từng xảy ra sốt đất như Đông Sơn, Triệu Sơn, Sầm Sơn thì nay đã vắng bóng "cò đất", không còn hiện tượng kẻ bán người mua tấp nập.
Một nhà đầu tư bất động sản có nhiều kinh nghiệm ở Hà Nội chia sẻ, thị trường bất động sản rõ ràng bị "nén lại" do chính sách tín dụng. Việc dòng vốn tín dụng bị "siết" đã ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng giao dịch của thị trường, người muốn mua thì chờ, người muốn bán buộc phải hạ giá.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư này cho rằng, đất nền ở các tỉnh thời gian qua hấp dẫn vì giá rẻ và tăng theo các "cơn sốt". Tuy nhiên, xét về giá trị thực, sản phẩm đất này không có giá trị kinh doanh lớn, trong đó nhu cầu ở của người dân xung quanh lại không có. Do đó, khi hết "sốt đất", giá đất lại trở về mức cũ.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, thị trường bất động sản sôi động trước đó do nhiều người vay để "lướt sóng". Nhưng hiện nay, thị trường đang chững lại, giao dịch khó khăn, nhiều người đang bị kẹt. Vì vậy, nếu lãi suất ngân hàng tăng, việc vay vốn đầu tư bất động sản sẽ khiến nhà đầu tư cân nhắc nhiều hơn.
Ông Điệp nhìn nhận, khả năng bán tháo rất cao ở các thị trường bất động sản tỉnh sốt chủ yếu do đầu cơ "thổi giá" mà không có nhu cầu thực. Khi lãi suất tăng cao, giá bất động sản ở đây có thể giảm mạnh.
"Tác động lớn nhất là đối với những người đầu tư, đầu cơ bất động sản dùng đòn bẩy quá lớn. Hiện tại, lãi suất huy động tăng đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay cũng tăng theo. Điều này không tốt cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, lãi suất sẽ không tăng sốc mà tăng từ từ, nhà đầu tư nào không đủ tiềm lực sẽ bị thanh lọc", ông Điệp nói.
Bất động sản dành cho bạn