Kể từ khi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 có hiệu lực vào năm 2015, UBND Đà Nẵng đã chỉ đạo các sở, ngành, và địa phương triển khai các nhiệm vụ quản lý nhà nước theo quy định. Họ đã tăng cường việc thu thập thông tin và theo dõi diễn biến thị trường để có thể đưa ra các biện pháp điều chỉnh kịp thời, nhằm ngăn chặn tình trạng tăng trưởng "nóng" hoặc "sốt ảo".
Từ năm 2015 đến 2023, thị trường BĐS có những đóng góp quan trọng cho tăng trưởng ở địa phương, với giá trị tăng thêm hoạt động kinh doanh BĐS chiếm 5,56% tổng GRDP cùng giai đoạn, mỗi năm đóng góp gần 0,1 điểm phần trăm trong mức tăng GRDP, đồng thời tạo động lực tăng trưởng cho nhiều ngành nghề có liên quan.
Cũng trong giai đoạn này, Đà Nẵng đã giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân đối với gần 33,5 nghìn trường hợp. Thành phố còn chú trọng nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội gắn với mục tiêu “có nhà ở” cho nhân dân theo Chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an” của thành phố; quan tâm, bố trí quỹ đất “sạch”, sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê, hỗ trợ kinh phí xây dựng mới, sửa chữa nhà ở đối với người có công cách mạng, hộ nghèo… Theo ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 đã tạo hành lang pháp lý để phát triển nhà ở xã hội và quản lý thị trường BĐS ở địa phương bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tạo điều kiện để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.
Mới đây, tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội với UBND Đà Nẵng về việc thực hiện chính sách, pháp luật quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội… Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã đánh giá, Thành ủy, HĐND và UBND Đà Nẵng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội. Nhờ vậy, thị trường BĐS cũng đã có những đóng góp quan trọng cho tăng trưởng ở địa phương. Song song đó, việc phát triển nhà ở xã hội cũng được thành phố chú trọng; quan tâm, bố trí quỹ đất sạch, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với quỹ nhà ở xã hội cao nhất cả nước. Có thể nói, Đà Nẵng là một điểm sáng về thực hiện nhà ở xã hội của cả nước.
Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, thị trường BĐS ở Đà Nẵng giai đoạn từ năm 2020 đến nay gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; việc xử lý các dự án theo các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án có tranh chấp còn chậm; thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhất là thủ tục lựa chọn chủ đầu tư còn nhiêu khê, ảnh hưởng đến tiến độ phát triển nhà ở xã hội theo kế hoạch được duyệt…
Trên thực tế hiện nay, việc phát triển thị trường BĐS ở Đà Nẵng vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”, đặc biệt là những vướng mắc về cơ chế, chính sách. Theo ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND Đà Nẵng, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh BĐS rộng, thủ tục đầu tư kinh doanh phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nghề khác nhau… gây khó khăn trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, cũng như công tác quản lý nhà nước. Nhiều dự án BĐS trước đây chưa thực hiện đầy đủ thủ tục về chủ trương đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất, lựa chọn chủ đầu tư nên gặp khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các thủ tục sau này. Có dự án gặp khó do các kết luận thanh tra, bản án dẫn đến tình trạng chậm tiến độ đầu tư, gây lãng phí nguồn lực đất đai.
Bên cạnh đó, các loại hình BĐS mới như: condotel, officetel, shophouse, resort villa… phát triển nhanh trong điều kiện cơ sở pháp lý chưa đầy đủ, chặt chẽ và tình hình kinh tế khó khăn, nên một số dự án chậm tiến độ hoặc dừng triển khai. Thậm chí, có dự án vi phạm hợp đồng với khách hàng dẫn đến khiếu kiện; Cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý, có nguy cơ thừa sản phẩm giá cao, thiếu sản phẩm nhà ở xã hội và nhà ở giá thấp. Một số chủ đầu tư dự án BĐS thực hiện việc đặt cọc, góp vốn, mua bán BĐS khi chưa đảm bảo điều kiện theo quy định. Các cơ quan quản lý nhà nước đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính theo quy định, tuy nhiên việc khắc phục của chủ đầu tư với khách hàng lại theo kiểu “rùa bò”.
Trong khi đó, về phát triển nhà ở xã hội, Đà Nẵng đã bố trí quỹ đất “sạch”, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Là một trong những địa phương đang quản lý quỹ nhà ở xã hội cho thuê cao nhất cả nước, song việc thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội vẫn còn chậm, nhà đầu tư không “mặn mà” tham gia phân khúc này…
Tiếp tục gỡ khó cho thị trường BĐS, Đà Nẵng đã kiến nghị chính phủ tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện đề án: “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, đề nghị ban hành quy trình đầu tư dự án nhà ở xã hội, rút ngắn trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, giao quyền cho địa phương quy định tiêu chí ưu tiên xét duyệt hồ sơ đăng ký thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng kiến nghị Bộ Xây dựng, tiếp tục rà soát các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội để kịp thời bổ sung vào nội dung các Nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023; nghiên cứu, bãi bỏ thủ tục công bố danh mục dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay vốn theo chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 33 của Chính phủ và thay thế bằng văn bản của Bộ Xây dựng hướng dẫn điều kiện về hồ sơ pháp lý để các NHTM chủ động kiểm tra trong quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn…
Bất động sản dành cho bạn