Theo báo cáo mới đây của DKRA, suốt 3 tháng đầu năm, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng tiếp tục không ghi nhận bất cứ nguồn cung mới nào ở cả 3 phân khúc biệt thự, nhà phố/shophouse và condotel. Giao dịch vẫn đóng băng trong quý I/2024.
Đối với biệt thự nghỉ dưỡng, cả 3 tỉnh này có 234 căn được mở bán trong quý I, giảm xấp xỉ 5% so với cùng kỳ năm trước. Còn nguồn cung condotel tăng nhẹ 2% lên 677 căn. Trong khi đó, nguồn cung nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng vẫn đứng im suốt nhiều tháng qua với con số 36 căn.
Đáng nói, thị trường không ghi nhận thêm bất cứ giao dịch nào trong quý I. Các chuyên gia tại DKRA cho biết dù du lịch có những tín hiệu tích cực, tuy nhiên, việc hàng loạt dự án bỏ hoang, chưa có dấu hiệu đưa vào khai thác sử dụng đã gây ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư.
Đồng thời, những rào cản pháp lý chưa được tháo gỡ cũng đã tác động tiêu cực đến thị trường khiến thanh khoản gặp nhiều khó khăn và chưa có dấu hiệu phục hồi.
Đối với biệt thự nghỉ dưỡng, DKRA nhấn mạnh thị trường gần như mất thanh khoản, bên cạnh đó lượng hàng tồn kho là sản phẩm cao cấp giá trị lớn cũng là nguyên nhân khiến thanh khoản gặp khó.
Mặc dù trầm lắng kéo dài, mặt bằng giá chào bán sơ cấp trong 3 tháng đầu năm vẫn neo cao, không có nhiều biến động so với quý trước và cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá biệt thự nghỉ dưỡng chào bán từ chủ đầu tư ở Đà Nẵng cao nhất lên đến 100 tỷ đồng/căn và ở Quảng Nam cao nhất rơi vào khoảng 73 tỷ đồng/căn.
Với nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, giá chào bán từ chủ đầu tư rơi vào khoảng 7,1-16,3 tỷ đồng/căn. Còn condotel tại Đà Nẵng có giá cao nhất lên đến 148 tỷ đồng/căn. Thậm chí, ở Quảng Nam một số căn condotel có giá lên đến 156 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn duy trì các chính sách chia sẻ lợi nhuận, doanh thu, ân hạn nợ gốc, hỗ trợ lãi suất... nhằm tăng thanh khoản.
Nhìn chung thị trường cả nước, các chuyên gia của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng nhìn nhận mặc dù du lịch đạt được những kết quả khá tích cực, phần lớn chủ đầu tư phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đều e ngại việc ra hàng trong thời điểm này.
Báo cáo của đơn vị này cho thấy trong 3 tháng đầu năm, thị trường bất động sản Việt Nam đón nhận 9.970 sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng mở bán. Trong đó, hơn 97% là hàng tồn kho của các dự án mở bán trước đó tiếp tục chào bán.
Tỷ lệ tiêu thụ sơ cấp chỉ đạt 2% với khoảng hơn 160 giao dịch thành công trong quý. Giao dịch chủ yếu đến từ phân khúc căn hộ du lịch chiếm tỷ trọng hơn 40%.
Theo VARS, phần lớn giao dịch tập trung ở những dự án biệt thự nghỉ dưỡng có mức giá bán dưới 10 tỷ đồng/căn, có pháp lý hoàn thiện, tiến độ thi công đảm bảo và các căn hộ du lịch có giá trị dưới 3 tỷ đồng/căn.
Hiệp hội này nhận định phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong ngắn hạn.
"Tuy nhiên, những thông tin tích cực từ ngành du lịch, tiến trình phục hồi lạc quan của thị trường chung. Đặc biệt là thông tin phê duyệt, khởi công nhiều dự án du lịch, nghỉ dưỡng quy mô lớn, phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín như tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng và giải trí biển hòn Thơm của Sun Group, Mandarin Oriental... sẽ là nền tảng để phân khúc bất động sản này sớm bắt kịp đà phục hồi của thị trường", các chuyên gia ở VARS phân tích thêm.
Bất động sản dành cho bạn