Chia sẻ về tâm lý và động thái của nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE chia sẻ, khoảng thời gian này, nhà đầu tư phải vượt qua những lo lắng.
Ngày 11-10, Công ty CBRE đã công bố tiêu điểm thị trường bất động sản tại TP HCM.
CBRE Việt Nam cho biết trong quý III vừa qua, mặc dù thị trường nhà ở (trong đó gồm cả chung cư và nhà phố, biệt thự), nguồn cung sụt giảm thê thảm, chỉ vài trăm căn được tung ra, nhưng giá bán ra vẫn tăng mạnh 2-3 lần so năm 2021 với giá bán vài chục tỉ đồng/căn.
Trong khi đó, nguồn cung căn hộ mới chỉ có 2.851 căn, giảm 80% so quý trước nhưng cao hơn 49% so cùng kỳ năm 2021. Phân khúc thị trường cao cấp dẫn đầu thị trường, chiếm 76% trong tổng nguồn cung mới. Phân khúc hạng sang chiếm 13%. Phân khúc trung cấp chỉ ghi nhận đợt mở bán dự án tại quận 9 cũ (nay là TP Thủ Đức), còn lại phân khúc bình dân tiếp tục biến mất khỏi thị trường.
Mặc dù nguồn cung mới giảm nhưng tổng số căn hộ bán được trong 9 tháng đầu năm 2022 là 18.520 căn, tăng gần gấp đôi so với số chào bán thành công của 9 tháng đầu năm 2021.
Cũng theo CBRE, giá sơ cấp trung bình trên toàn thị trường đạt mức 2.545 USD/m2, tăng 3,4% so quý trước và tăng 12% so cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo quý IV/2022, CBRE cho rằng TP HCM sẽ chào đón 1.822 căn hộ mới từ 11 dự án. Trong đó phân khúc cao cấp và sang sẽ tiếp tục dẫn dắt vô cùng mới với 66 %, còn 30% thuộc phân khúc hạng sang và 3% thuộc phân khúc trung cấp.
Đây là thời điểm khá nhạy cảm của thị trường BĐS. Phân khúc BĐS liền thổ, căn hộ cao cấp, hạng sang là những loại hình bị ảnh hưởng rõ nét nhất. Nguyên nhân đây là các phân khúc có mức tăng giá nhanh, giá trị cao, kén sức mua lúc thị trường khó khăn. Rất có thể, mức giá các phân khúc này có thể giảm hoặc điều chỉnh lại trong thời gian tới khi mà thanh khoản chậm.
“Dĩ nhiên, BĐS vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhưng nhà đầu tư nên thận trọng. Đầu tư BĐS hay chứng khoán, vàng… nhà đầu tư không thể nóng vội như thời điểm. Và tôi nhắc lại, nguồn vốn để đầu tư chính là rào cản lớn nhất thời điểm này”, Bà Dung cho hay.
Cùng quan điểm, Ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc, Bộ phận Quản lý Cấp cao Savills Việt Nam cho hay, cái khó của thị trường BĐS hiện nay là tiếp cận nguồn vốn để mua nhà, đầu tư hoặc phát triển dự án. Nếu chính sách tín dụng tiếp tục trở ngại, thị trường BĐS sẽ khó khăn hơn trong thời gian tới. Dĩ nhiên, trong quý 3/2022, các phân khúc như bán lẻ, văn phòng, căn hộ, nhà phố - biệt thự vẫn có những điểm sáng nhất định, hoạt động thị trường dần phục hồi về mức trước đại dịch Covid-19.
Trong báo cáo quý 3/2022 mới đây của CBRE Việt Nam cũng dự đoán, thị trường BĐS cuối năm 2022 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách.
Cụ thể, nguồn cung tiếp tục hạn chế, đặc biệt là nguồn cung ở phân khúc trung cấp và bình dân. Đối với những người mua để ở sẽ không có nhiều lựa chọn do hầu hết các nguồn cung mới sẽ tập trung ở phân khúc cao cấp trở lên.
Theo đại diện đơn vị này, mặc dù chính sách thắt chặt tín dụng đang dần được nới lỏng nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vẫn vô cùng khó khăn đối với cả nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư thể chế (chủ đầu tư dự án). Việc khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng kết hợp giá nhà tiếp tục gia tăng khiến tính thanh khoản của thị trường bị suy giảm ít nhiều. Tuy nhiên do nguồn cung hạn chế trong khi sức cầu vẫn được duy trì nên sức hấp thụ trên thị trường vẫn ở mức khả quan.
Ngoài ra, những thông tin trên thị trường liên quan đến các thay đổi pháp lý (quy định về thời hạn sở hữu chung cư, áp dụng thuế tài sản….) cũng như những cuộc điều tra trên thị trường về các sai phạm của chủ đầu tư có thể gây ảnh hưởng tới tâm lý người mua trong giai đoạn tới.
Bất động sản dành cho bạn