Quỹ đất hạn chế, nguồn cung khá thấp, giá bán cao và quy trình cấp phép dự án còn đang bị siết chặt… là loạt vấn đề lớn đáng lưu ý của thị trường bất động sản TPHCM.
Dự báo về nguồn cung bất động sản giai đoạn cuối năm, CBRE Việt Nam cũng cho biết, nguồn cung bất động sản toàn thị trường sẽ khó cải thiện. So với khu vực phía tây hay nam TP. HCM, khu vực quận 9 cũ, nay là TP. Thủ Đức, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc phía đông TP. HCM vẫn là địa bàn dồi dào nguồn cung bất động sản mới hơn.
Trước đó, CBRE cho biết sau 3 năm khan hiếm, nguồn cung sản phẩm vào cả Hà Nội và TP. HCM đều sẽ rất dồi dào. Từ nay đến năm 2025, các chủ đầu tư sẽ tung ra thị trường những dự án mới mà họ đã chào bán. Giá sẽ tiếp tục tăng nhưng không quá cao. Chẳng hạn, giá trung bình căn hộ ở TP. HCM hiện là 58 triệu đồng/m2 nhưng đến năm 2024 chỉ khoảng 62 triệu/m2, tương ứng mức tăng trưởng 4%. Tại Hà Nội, mức tăng có thể cao hơn, khoảng 8%.
Nói về giai đoạn cuối năm, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, xu hướng nguồn cung không cải thiện sẽ rất rõ nét. Số lượng dự án ra thị trường chỉ ở mức tương đương với giai đoạn đầu năm 2022. Theo đó, mức giá sẽ tiếp tục biến động ở hầu hết các phân khu do nguồn cung khan hiếm.
TS. Khương nhận định, nguồn cung bất động sản tại TP. HCM vẫn tập trung chủ yếu về khu vực phía đông - nơi vốn dồi dào sản phẩm nhà ở từ trước đến nay. Cụ thể, nguồn cung sẽ tập trung tại khu vực quận 9 cũ và mở rộng nguồn cung ra các khu vực giáp ranh phía đông như Đồng Nai, Bình Dương.
Theo vị chuyên gia, nhiều dự án đã được chuyển nhượng thành công nhưng để phê duyệt dự án từ bước có chủ trương cho đến khi có được giấy phép xây dựng mất từ 3 - 5 năm. Do đó, Chính phủ cần đưa ra những hướng giải quyết để giúp doanh nghiệp bất động sản có cơ hội tạo ra giá trị và bổ sung nguồn cung mới, phục vụ nhu cầu nhà ở cho người dân.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA - cũng chỉ ra rằng, thị trường bất động sản vẫn chưa phát triển ổn định, bền vững biểu hiện rất rõ nét qua 5 vấn đề tồn tại.
Thứ nhất, tình trạng "lệch pha cung - cầu" dẫn đến rất thiếu nguồn cung dự án, rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.
Thứ hai, tình trạng "lệch pha phân khúc thị trường" về phân khúc nhà ở cao cấp, như tại TPHCM thì nhà ở có giá vừa túi tiền năm 2020 chỉ chiếm 1% tổng số nhà ở và năm 2021 thì không còn loại nhà ở có giá vừa túi tiền (0%), trong khi 74% sản phẩm nhà ở thuộc phân khúc cao cấp, còn lại 26% thuộc phân khúc trung cấp;
Thứ ba, tình trạng khan hiếm nhà ở đã đẩy giá nhà tăng cao liên tục trong 5 năm qua vượt quá khả năng thu nhập của đa số người dân và đã xuất hiện tình trạng "phân lô bán nền" tràn lan, "sốt ảo" giá đất;
Thứ tư, môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa thực sự minh bạch, công bằng, lành mạnh
Thứ năm, có không ít doanh nghiệp bất động sản yếu kém năng lực và thiếu tính chuyên nghiệp.
"Trong đó, vấn đề nổi lên là cần phải kiểm soát và xử lý hiệu quả mối quan hệ hữu cơ giữa thị trường bất động sản và thị trường vốn để cả hai thị trường này phát triển lành mạnh, hỗ trợ lẫn nhau, do hiện nay vẫn đang tiềm ẩn một số rủi ro, nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô", ông Châu lo ngại. Bởi lẽ theo vị này, thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định sẽ kéo theo sự phát triển của thị trường vốn và nền kinh tế; nhưng ngược lại thị trường bất động sản bất ổn sẽ kéo theo sự bất ổn của thị trường vốn và nền kinh tế.
Ông Châu chỉ ra rằng, thực trạng tình hình trên đây có nguyên nhân khách quan do dịch Covid-19, do xung đột địa chính trị hoặc do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; nhưng chủ yếu là do các nguyên nhân chủ quan, trước hết là "vướng mắc" về "thể chế pháp luật" và công tác "thực thi pháp luật" của một số cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Bất động sản dành cho bạn