Giá đất hiện đang tăng cao chóng mặt
Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ban hành ngày 28.1.2022 yêu cầu về việc điều chỉnh lại không gian đô thị hợp lý, gắn với phát huy tiềm năng, các thế mạnh của từng vùng, miền, địa phương. Nghị quyết đi vào cuộc sống được xem cơ sở quan trọng để Khánh Hòa phát triển bức phá, phát triển xứng tầm khu vực Nam Trung Bộ.
Theo Nghị quyết 09, huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế. Và hiện thực hóa mục tiêu phát triển huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Khánh Hòa về chủ trương lập Quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm.
Dựa trên các chủ trương từ Trung ương, vừa qua, Tập đoàn Vingroup đã có báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên của đoàn công tác Trung ương về ý tưởng đầu tư 3 dự án siêu lớn với tổng diện tích hơn 16.800ha trên địa bàn huyện Cam Lâm, gồm: Dự án Khu đô thị sân bay, Dự án Khu đô thị sinh thái, Dự án Tổ hợp du lịch, thương mại và vui chơi giải trí.Từ hàng loạt các thông tin dồn dập về việc phát triển huyện Cam Lâm theo hướng đô thị sân bay, giá đất nền trên địa bàn huyện được giới đầu tư đẩy lên cao đột biến.
Chị Nguyễn Thị Tuyết - một môi giới bất động sản (BĐS) tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa tiết lộ, chỉ trong năm 2021 đến năm 2022, giá đất Cam Lâm đã tăng khoảng 10 - 20%/năm. Tuy vậy, từ khi có tập đoàn lớn xin đầu tư 3 dự án khủng gần 17.000ha, giá đất khu vực huyện Cam Lâm nhanh chóng tăng gấp 3 - 5 lần.
Mới đây, Chính phủ đã cho phép lập quy hoạch đô thị sân bay và Thủ tướng đến thị sát Cam Lâm đã khiến giá đất tăng thêm cao hơn nữa. Theo những môi giới bất động sản, hiện giá đất thổ cư tại huyện Cam Lâm trung bình đã tăng thêm 7 triệu đến hơn 10 triệu đồng/m2 và giá đất trồng cây lâu năm, cây hằng năm tăng 5 - 7 lần, tùy khu vực.
Không chỉ giá đất sốt, tại các văn phòng đất đai ở huyện Cam Lâm còn xuất hiện tình trạng người dân xếp hàng, mắc màn ngủ chờ đợi lấy số thứ tự làm thủ tục đăng ký đất đai. Tình trạng dân xếp hàng trước bộ phận một cửa huyện, trụ sở Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ngoài giờ hành chính để tiếp nhận hồ sơ, tiềm ẩn mất an ninh trật tự, gây bức xúc cho người dân, ảnh hưởng đến sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ cải cách thủ tục hành chính ở huyện Cam Lâm.
Tiềm ẩn rủi ro cho người dân
Bà Lê Phạm Thùy Ngân - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm - thừa nhận hiện nhu cầu tách thửa cho con cái, người thân trên địa bàn tăng cao. Nhất là khi các thông tin dồn dập về việc Trung ương có ý tưởng quy hoạch huyện Cam Lâm thành Khu đô thị sân bay trong tương lai… Mặc dù nhu cầu tách thửa của người dân tăng cao nhưng nhân sự làm việc tại bộ phận một cửa, văn phòng đăng ký đất đai có hạn, không thể đảm bảo thời gian xử lý tất cả các hồ sơ của người dân. Từ thực tế này đã dẫn đến tình trạng người dân xếp hàng, mắc màn ngủ qua đêm chờ lấy số thứ tự tại Văn phòng đăng ký đất đai.
Để giải quyết tình trạng người xếp hàng lấy số thứ tự, huyện Cam Lâm đã hướng dẫn người dân nộp hồ sơ đăng ký đất đai theo hình thức online. Ngoài ra, huyện cũng đề xuất Sở TNMT tỉnh Khánh Hòa xem xét, bố trí thêm nhân lực có chuyên môn trong việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký đất đai.
Cũng theo UBND huyện Cam Lâm, mặc dù Chính phủ đã đồng ý cho Khánh Hòa lập Quy hoạch chung đô thị mới với mục tiêu phát triển huyện Cam Lâm thành đô thị sân bay, nhưng người dân khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất cần đến các cơ quan chức năng để nắm rõ thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tránh rủi ro về sau. Cùng với đó, UBND huyện Cam Lâm, cũng đã tiến hành thông tin công khai các quy hoạch, dự án, định hướng phát triển để người dân nắm rõ, tránh tình trạng sốt đất ảo.
Ông Nguyễn Trọng Trung - Bí thư Huyện ủy Cam Lâm - cho biết thêm, liên quan đến việc tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn, trước đó Huyện ủy Cam Lâm đã ban hành Nghị quyết 09. Theo đó, Huyện ủy chỉ đạo các xã cần rà soát, nắm lại quỹ đất công, quỹ đất rừng để tránh tình trạng người dân mua bán, lấn chiếm… Đến nay, công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện Cam Lâm sau Nghị quyết 09 có nhiều chuyển biến tích cực.
“Huyện ủy Cam Lâm cũng chỉ đạo UBND huyện Cam Lâm đã giao Phòng TNMT phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tổ chức công bố công khai quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch sử dụng đất để người dân nắm. Công bố công khai thông tin các dự án đăng ký đầu tư trên địa bàn để tránh trường hợp người sử dụng đất bị thiệt hại khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất” - ông Nguyễn Trọng Trung thông tin.
Theo laodong.vn
Bất động sản dành cho bạn