Hiện nay, nguồn cung BĐS chủ yếu kỳ vọng vào các dự án nhà ở xã hội. Các địa phương trên cả nước đang khẩn trương triển khai xây dựng các dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, chỉ mới đạt 36% so với nhu cầu. Việc phát triển nhà ở xã hội cần được điều chỉnh theo hướng tăng nhà ở cho thuê.
Người Việt luôn có tâm lý mong muốn được sở hữu nhà ở hơn việc đi thuê nhà, do vậy, phân khúc nhà cho thuê ít được các chủ đầu tư tập trung phát triển. Các dự án nhà ở cho thuê chủ yếu đều ở các khu công nghiệp do chính chủ doanh nghiệp xây dựng để phục vụ cho cán bộ, công nhân viên của công ty mình, vì vậy, việc xây dựng rất manh mún, quy mô nhỏ.
Tại thành phố Hà Nội, số lượng dự án nhà ở cho thuê hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ví dụ như khu nhà ở công nhân Kim Chung; dự án CT19 Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên) với quy mô 515 căn hộ sử dụng vốn ngân sách để xây dựng; và 300 căn hộ để cho thuê tại khu đô thị Đặng Xá do Viglacera làm chủ đầu tư…
Trong khi đó, nhu cầu của đại bộ phận người lao động, nhất là các lao động trẻ trong xu hướng dịch chuyển lao động ngày càng nhiều đến các vùng kinh tế trọng điểm là rất lớn. Nguồn cầu này chủ yếu là công nhân, người mới đi làm, có thu nhập thấp hơn mức trung bình. Việc sở hữu nhà ở, kể cả là nhà ở xã hội là rất khó đối với họ.
Vì vậy, cần có chính sách tập trung ưu tiên cho loại hình nhà ở cho thuê, cho thuê mua để đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận người dân. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Nhà nước cần xem xét đưa ra quy định về chính sách phát triển nhà ở cho thuê. Trong đó, quy định rõ việc khuyến khích xây dựng điều kiện, tiêu chuẩn, chất lượng việc quản lý đối với nhà ở cho thuê; chính sách ưu đãi đối với hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê chính sách hỗ trợ đối với người thuê nhà.
Thậm chí, cần thiết có gói hỗ trợ lãi suất cho các chủ đầu tư đi đầu phát triển loại hình nhà ở này. Có như vậy mới vừa đảm bảo được an sinh xã hội, vừa huy động được toàn bộ nguồn lực xã hội cho công tác chăm lo chỗ ở cho người lao động.
“Trong bối cảnh giá nhà đất ngày càng leo thang từng ngày, thị trường BĐS bất ổn khi Nhà nước có nhiều động thái kiểm soát chặt chẽ tín dụng. Người có nhu cầu mua nhà khó tiếp cận vốn vay. Vì vậy, nhiều người trẻ hiện nay lựa chọn việc thuê nhà thay vì đi mua. Việc thuê nhà sẽ giúp họ tiết kiệm tiền, đồng thời, không phải chịu áp lực trả nợ ngân hàng khi phải vay tiền mua nhà” - ông Châu nhấn mạnh.
Nhà ở cho thuê ổn định, giá thành hợp lý, thời gian thuê dài là mơ ước của hàng triệu người dân đô thị Việt Nam đang gặp khó khăn về nhà ở. Tuy nhiên, cho đến nay, loại hình nhà cho thuê gần như đang chấp nhận “đi cuối hàng” trên thị trường BĐS khi số dự án nhà ở cho thuê hạn chế và gặp rất nhiều khó khăn ngay từ bước đầu trong quá trình triển khai.
Hiện nay, Chương trình Nhà ở xã hội của Chính phủ đang được triển khai thực hiện rộng khắp trên cả nước, tạo điều kiện tiếp cận chỗ ở tốt hơn cho một bộ phận người thu nhập thấp và người cần được trợ giúp về nhà ở trong đô thị. Bộ Xây dựng - cơ quan được giao chủ trì chương trình này đã đưa ra nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp.
Trong đó, Bộ Xây dựng đề xuất thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội về một số vấn đề chính như: đất để xây dựng nhà ở xã hội; quyền và ưu đãi dành cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội…
Đối với loại hình nhà ở cho thuê, Bộ Xây dựng đề xuất thí điểm quy định theo hướng trường hợp thuê nhà ở xã hội thì không cần đáp ứng các điều kiện như trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội. Trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội thì phải đảm bảo đồng thời 2 điều kiện về nhà ở (chưa có nhà ở, đất ở hoặc diện tích nhà ở bình quân đầu người dưới 10m2), về thu nhập thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chia sẻ: Phát triển và mở rộng các loại hình nhà ở, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở giá rẻ, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường cho các đối tượng chính sách xã hội, là chủ trương đúng đắn, cần được thực hiện hiệu quả. Trong Luật nhà ở đã làm rõ hơn, sâu sắc hơn về nội dung chính sách cho từng loại hình đối tượng được tham gia thuê, mua nhà ở xã hội, đáp ứng yêu cầu chung phát triển kinh tế - xã hội.
Việc phát triển nhà ở xã hội là chủ trương quan trọng nhưng cần triển khai hợp lý, khoa học và phù hợp khả năng, mục tiêu cuộc sống của người dân. Các chính sách về nhà ở xã hội cần hướng tới các mục tiêu rõ ràng và khả thi hơn. Nhà ở xã hội phải được điều chỉnh theo hướng tăng nhà ở cho thuê, nguồn hỗ trợ của ngân sách Nhà nước được phân chia phù hợp cho cả ba bên: chủ đầu tư, cơ quan quản lý vận hành và người dân.
Bất động sản dành cho bạn