Tại Bình Dương, người dân tiếp tục kêu cứu vì mua đất sổ giả, và TAND đã xét xử nhiều vụ làm giả sổ đất để lừa đảo và chiếm đoạt tài sản.
Những năm gần đây, thị trường bất động sản (BĐS) tại Bình Dương tăng giá đã tạo cơn sốt đất. Lợi dụng tình hình đó, nhiều đối tượng có hành vi làm giả sổ đất để giao dịch nhằm chiếm đoạt tài sản. Những cuốn sổ giả được làm rất tinh vi khiến không ít người “sập bẫy”.
Bà Nguyễn Thị Tâm (56 tuổi, ở khu phố 9, phường Phú Lợi, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) là 1 trong những nạn nhân kể, tháng 8/2018, bà cho Trần Thị Mười Bảy (47 tuổi, ngụ ở phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một) vay số tiền 520 triệu đồng. Để tạo niềm tin, bà Bảy tự làm giấy thế chấp 2 cuốn sổ đất diện tích hơn 1.600m2 ở xã Phú An, thị xã Bến Cát. Tin vào tài sản thế chấp, bà Tâm tiếp tục cho bà Bảy mượn thêm 1,5 tỷ đồng.
Sau đó, nhiều tháng liền không thấy bà Bảy trả nợ như đã hứa, bà Tâm yêu cầu chuyển nhượng lại một lô đất cho mình nhưng phát hiện là sổ giả. Khi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đang thụ lí vụ án, bà Bảy đã bỏ trốn và không thể liên lạc được.
“Số giả được làm rất tinh vi, cứng cáp như sổ thật nên tôi không thể phát hiện và phân biệt được nên bị lừa. Phòng CSĐT Công an tỉnh Bình Dương cũng nhận định, họ lừa quá bài bản bằng 1 bộ hồ sơ gồm hợp đồng ủy quyền, sổ đất có mộc dấu. Sau đó, công an đã thu 2 cuốn sổ đỏ giả và có biên bản ghi nhận”, bà Tâm ngậm ngùi.
Cũng vướng vào rắc rối khi mua bán đất, bà Nguyễn Thị Thanh (65 tuổi, xã Hưng Hòa, huyện Bàu Bàng) đành "ngậm đắng nuốt cay" khi tiền mất, đất mất vì mua giấy viết tay. Năm 2002, bà Thanh mua mảnh đất có diện tích 294m2 của em ruột là ông Nguyễn Văn Hùng với giá 70 triệu đồng bằng giấy viết tay. Đến năm 2008, bà Thanh muốn sang tên nhưng sổ đất đã bị em trai cầm cố ngân hàng. Sau đó cả 2 lên UBND xã Hưng Hòa làm thủ tục tặng - cho.
Đến năm 2016, bà cho em trai mượn 126 triệu đồng để giải chấp. Khi lấy sổ ra, ông Hùng không chuyển nhượng và cũng không trả lại tiền mượn cho chị gái nên cả 2 xảy ra mâu thuẫn phải gửi đơn ra tòa. Qua nhiều lần xét xử và kháng cáo, cuối cùng ông Hùng được TAND Tối cao TP.HCM tuyên thắng kiện. Nhìn mẹ già suốt nhiều năm phải hầu tòa, bà Lê Thị Uyên Phương (con gái bà Thanh) nghẹn ngào nói, đây là bài học cho gia đình và hy vọng sẽ không có ai rơi vào tình cảnh như gia đình mình.
“Mọi người cần lưu ý khi mua bán đất đai bên ngoài, hoặc anh chị em ruột tất cả phải rõ ràng, ký giấy tờ phải có người làm chứng, phải làm thủ tục sang tên. Người bán - mua mình phải đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng, giao dịch mua bán phải rõ ràng để không gây phiền toái cho các bên”, bà phương chia sẻ.
Những năm qua, TAND các cấp ở Bình Dương đã xét xử nhiều vụ làm giả sổ đất để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương vẫn liên tục nhận được đơn kêu cứu của người dân về việc mua phải đất sổ giả. Các đối tượng lừa đảo bán đất sổ giả thường rao bán tài sản với giá rất rẻ và luôn thúc đẩy giao dịch diễn ra nhanh. Nhiều trường hợp sợ bị lộ chỉ nhận tiền cọc vài trăm triệu, sau khi “gom” được nhiều sẽ bỏ trốn khỏi nơi cư trú.
Bà Trần Thị Kim Dung, cán bộ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả ở bộ phận 1 cửa của Sở Tài Nguyên-Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết, trong quá trình tiếp nhận hồ sơ ra sổ đất, bà phát hiện nhiều cuốn sổ giả và đã hỗ trợ, hướng dẫn người mua kiểm tra.
“Nghi ngờ sổ giả tôi sẽ hướng dẫn người dân liên hệ với cơ quan cấp giấy. Nếu trường hợp do Sở Tài nguyên-Môi trường cấp sẽ tra cứu được thông tin, biết được đã cấp cho ai, số phát hành, số vào sổ... Trường hợp cơ quan huyện cấp giấy sẽ hướng dẫn người mua liên hệ với địa phương”, bà Dung cho biết.
Đối với việc mua bán với hình thức giấy viết tay, theo các Luật sư, hầu hết là đất không đủ điều kiện chuyển nhượng, như không thể tách thửa, xây không phép. Dẫu biết là vậy nhưng nhiều người vẫn mua mà không nghĩ đến việc có thể mất trắng tài sản khi xảy ra tranh chấp.
Luật sư Trương Nhật Quang, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bình Dương cho biết, trường hợp mua giấy viết tay nhưng vì nhiều lí do phải kéo dài thời gian công chứng, người mua phải mua đúng chủ đất, không qua môi giới. Khi giao tiền phải có xác nhận của bên bán nếu xảy ra tranh chấp mới đủ cơ sở thắng kiện.
Theo Luật công chứng, giao dịch mua bán bất động sản phải ra phòng công chứng, UBND xã, phường, thị trấn không có thẩm quyền chứng thực giấy tờ mua bán đất. Do đó, người dân không nên tin lời người bán về việc xác thực giao dịch ở địa phương.
“Khi mua BĐS để thiết lập giao dịch chính thức cần phải ra phòng công chứng, không nên giao dịch giữa hai bên. Khi ra phòng công chứng họ sẽ kiểm tra được tính pháp lý của BĐS, đủ điều kiện họ sẽ chứng thực. Từ đó có thêm 1 bước kiểm tra, giúp người mua xác định được tính pháp lý của BĐS”, Luật sư Trương Nhật Quang khuyến cáo.
Ở Bình Dương những năm gần đây còn xảy ra việc người lao động ham rẻ, nên đã dùng số tiền tích cóp cả đời, hoặc vay mượn mua nhà liền kề xây trên đất nông nghiệp với hình thức lập vi bằng. Sau khi cơ quan chức năng cưỡng chế, phá bỏ họ mới tá hỏa vi bằng không đủ cơ sở pháp lý trong giao dịch nhà đất. Công nhân đành ngậm đắng nhìn "căn nhà mơ ước" bị đập bỏ và số tiền tích cóp đã bị mất trắng.
Bất động sản dành cho bạn