Những dự án nghỉ dưỡng thiếu điểm nhấn, thiếu tiện ích chất lượng và không tạo được không gian thư giãn cho khách hàng khiến cho việc thu hút khách hàng trở nên khó khăn.
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã có sự khởi sắc hơn trong những tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, theo chuyên gia, bên cạnh vấn đề nguồn cầu, bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam còn phải phải đối mặt với thách thức khác là tình trạng dư thừa nguồn cung.
Xu hướng mới ở loại hình bất động sản nghỉ dưỡng là chia sẻ lợi nhuận thay vì cam kết lợi nhuận như trước đây. Dự báo nửa cuối năm 2022, nguồn cung tăng ở hầu hết các phân khúc, sức cầu chung toàn thị trường có thể hồi phục nhưng khó có sự tăng trưởng đột biến trong ngắn hạn.
Dưới tác động của đại dịch, trong năm 2020, công suất thuê khách sạn tại Châu Á - Thái Bình Dương đạt mức thấp kỷ lục, dao động từ 25% đến 40% ở hầu hết các điểm đến nổi tiếng trong khu vực.
Hiện nay, mức độ tiêm chủng tăng và tỷ lệ tử vong do Covid-19 giảm mạnh, nhiều quốc gia đã bắt đầu thận trọng mở lại biên giới kể từ nửa cuối năm 2021. Nhờ kết quả đó, tâm lý thị trường và hoạt động đầu tư tăng trở lại tích cực.
Theo báo cáo về thị trường nghỉ dưỡng của Savills Châu Á – Thái Bình Dương công bố tháng 6/2022, khối lượng đầu tư vào khách sạn khu vực Châu Á Thái Bình Dương đạt 14,9 tỷ USD với 459 thương vụ vào năm 2021, vượt qua mức trung bình 5 năm trước đại dịch là 14,6 tỷ USD.
Thị trường tiềm năng này cũng chứng kiến sự gia tăng cả về khối lượng đầu tư và số lượng giao dịch trong năm 2021, lần lượt tăng 42,1% và 25,8% so với cùng kỳ 2021. Báo cáo của Savills ghi nhận một xu hướng đặc biệt là ngày càng nhiều doanh nghiệp bắt đầu thanh lý các tài sản không cốt lõi để thu hồi vốn.
Tiêu biểu trong số đó là việc hai tập đoàn Nhật Bản, Tập đoàn Kintetsu và Tập đoàn Seibu, được cho là đã chuyển nhượng danh mục đầu tư khách sạn của họ cho các quỹ nước ngoài lần lượt là 500 triệu USD và 1,2 tỷ USD trong năm qua.
Sự quan tâm của nhà đầu tư vẫn mạnh mẽ trong 5 tháng đầu năm 2022, khoảng cách giữa người bán và người mua dường như đã được thu hẹp. Khối lượng đầu tư mua bán tăng lên 5 tỷ USD trong quý I/2022, tăng 5,3% so với quý liền trước và tăng 86,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động kinh doanh khách sạn và resort đang khôi phục trở lại sau đại dịch. Công suất và giá phòng ghi nhận sự cải thiện ở khắp mọi nơi trên thế giới và thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ. Kỳ nghỉ hè năm nay được xem là bước tái khởi động đầy lạc quan tại các điểm đến du lịch, theo Savills cho hay.
Ở Việt Nam, tại các địa điểm ven biển như Vũng Tàu – Hồ Tràm, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, trong mùa hè năm nay, nhiều khách sạn và resort ghi nhận tốc độ hồi phục ấn tượng, một số resort thành công trong việc thu hút khách nội địa thậm chí kỳ vọng đạt mức công suất 50-70%.
Mặt khác, để hoạt động du lịch có thể đạt được mức như năm 2019, vẫn phải chờ đến khi thị trường khách quốc tế hoàn toàn khôi phục.
Hoạt động du lịch toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đã tái khởi động. Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn đang đứng trước một số hạn chế để có những bước tiến nổi bật. Bên cạnh các vấn đề toàn cầu như lạm phát, sự sụt giảm của du khách Trung Quốc và căng thẳng chính trị, một thách thức lớn mà du lịch nước nhà đang phải đối mặt là sự dư thừa nguồn cung.
Theo như chuyên gia từ Savills Hotels, hiện nay các dự án trên thị trường chủ yếu chú trong về quy mô và sản phẩm bán. Nhiều điểm du lịch có mật độ xây dựng dày đặc, đòi hỏi mỗi dự án cần xây dựng được bản sắc riêng của mình. Đồng thời, các loại hình sản phẩm lưu trú cần được làm đa dạng, kèm theo đó chất lượng quản lý vận hành cũng cần được nâng cao.
Chia sẻ giải pháp để du lịch Việt Nam thu hút khách ghé thăm, chuyên gia Savills nhấn mạnh vào trải nghiệm dịch vụ.
“Theo tôi, có hai yếu tố chính cần được ưu tiên là trải nghiệm văn hóa và trải nghiệm bình yên thư thái - được gọi là lối sống “wellness”. Đây là những yếu tố góp phần tạo nên sức hấp dẫn của du lịch địa phương trong dài hạn tại Việt Nam”, ông Mauro Gasparotti nói.
Tuy nhiên trên thực tế, việc thiết kế và khai thác yếu tố trải nghiệm khách hàng còn nhiều hạn chế tại Việt Nam. Nguyên nhân có thể đến từ việc áp dụng quan điểm về bất động sản nhà ở lên phân khúc nghỉ dưỡng.
Vị này phân tích, tại một dự án bất động sản nhà ở như chung cư hay nhà phố, quá trình sinh hoạt hàng ngày của cư dân sẽ là yếu tố được chủ đầu tư chú trọng. Trải nghiệm ấy được mang đến bởi hệ thống tiện ích phục vụ các nhu cầu thường nhật, cùng dịch vụ quản lý vận hành ổn định và chuyên nghiệp.
Trong khi đó, những dự án bất động sản nghỉ dưỡng hay ngôi nhà thứ hai, ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của con người. Không gian của dự án này cần được thiết kế đặc biệt để mang đến cảm giác thư thái cho du khách.
Do đó, hướng tiếp cận sai có thể sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Điển hình là sự xuất hiện của những dự án có tổng thể kém hiệu quả: thiếu điểm nhấn, thiếu tiện ích chất lượng và không tạo được không gian thư giãn cho khách hàng.
Theo chuyên gia Savills, những dự án như vậy sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút du khách, dẫn tới nguồn cung dư thừa trong khi nhu cầu của khách hàng lại không được đáp ứng.
Nhằm giải quyết vấn đề này, một số chủ đầu tư tìm đến các thương hiệu để hợp tác trong khâu thiết kế và vận hành. Tuy nhiên để đảm bảo thành công của dự án về lâu dài, thương hiệu có danh tiếng là chưa đủ. Chủ đầu tư cần triển khai dự án một cách cẩn trọng từ khâu hoạch định đến khi dự án đi vào vận hành.
Ông Mauro cho rằng điều quan trọng nhất là phải thay đổi cách tiếp cận từ “khai thác tối đa không gian” của bất động sản chung cư sang “chú trọng trải nghiệm khách hàng” của ngành nghỉ dưỡng.
“Nếu chúng ta có thể đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của khách hàng, có dễ dàng thúc đẩy nguồn cầu và thậm chí có thể tạo ra nguồn khách hàng trung thành. Nếu du khách yêu thích trải nghiệm tại điểm đến, họ sẽ quay lại thường xuyên và thậm chí mua bất động sản tại đó. Điều này là cơ hội nhưng đồng thời cũng đặt ra câu hỏi làm thế nào để không ngừng đem đến giá trị cho khách hàng”, vị chuyên gia Savills chia sẻ thêm.
Bất động sản dành cho bạn