Nghệ An xác định rõ chiến lược đầu tư hạ tầng sẽ là điểm kết nối, đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Nghệ An và trực tiếp là vào Khu kinh tế Đông Nam.
Từ nhiều thập niên qua, yếu tố vị trí vẫn được coi là kim chỉ nam dẫn đến thanh khoản cao và dư địa tăng giá hấp dẫn trong đầu tư bất động sản. Để có nhiều lựa chọn cho một vị trí đẹp, tiềm năng, việc nhắm tới các thị trường mới, quỹ đất rộng được coi là "chiến lược" của nhiều nhà đầu tư sành sỏi.
So với các thị trường bất động sản đã phát triển sôi động như Đà Nẵng, Nha Trang,… thị trường Nghệ An được đánh giá là "sinh sau đẻ muộn". Nhưng với tốc độ tăng trưởng nhanh trong vài năm trở lại đây, cộng với tiềm năng sẵn có về dân số, quỹ đất và chính sách thu hút - thị trường bất động sản Nghệ An được kỳ vọng là mảnh đất "màu mỡ” cho các nhà đầu tư.
Theo anh Hoàng Minh (40 tuổi, Hà Nội), để tìm được những dự án có vị trí đẹp cần cân nhắc tới yếu tố thời điểm, khi thị trường chưa sốt nóng và quỹ đất còn rộng. Đây là bài học anh rút ra từ việc đầu tư vào Phú Quốc năm 2015 và sau đó là Hạ Long năm 2016, những "tấm chiếu mới" trên bản đồ đầu tư thường mang đến cơ hội tăng giá vượt trôi. Thời điểm này, theo anh Minh, Nghệ An đang có nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển tương tự như Hạ Long khoảng 5-10 năm trước.
Cùng quan điểm với anh Minh, nhiều nhà đầu tư cho rằng Nghệ An hội tụ nhiều yếu tố cho một thương vụ đầu tư thành công. Thứ nhất, Nghệ An là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế ổn định, nhiều tiềm năng trở thành địa phương thuộc top đầu cả nước. Thực tế, theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Nghệ An thu hút được 580 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đây là mức cao nhất từ trước đến nay của địa phương này, đưa Nghệ An vào danh sách Top 10 FDI của cả nước. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh cũng được ghi nhận ở mức ổn định, đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ.
Thứ hai, quỹ đất tại Nghệ An còn rất rộng. Đây là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước và vẫn đang trong quá trình tái thiết kế. Cùng với bất động sản trung tâm thành phố Vinh, một số khu vực lân cận cũng là điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư nhờ đặc trưng về hạ tầng, thiên nhiên và quy hoạch bài bản. Trong đó, nổi bật phải kể đến Cửa Lò, một trong những vùng biển đẹp nhất Bắc Trung Bộ và cả nước. Thị trường này có diện tích hữu hạn, số lượng dự án không nhiều nhưng lại sở hữu vô vàn lợi thế từ hạ tầng địa phương và cảnh quan thiên nhiên tuyệt sắc.
Tỉnh Nghệ An hiện có Khu kinh tế Đông Nam và 11 khu công nghiệp; trong đó có 5 khu công nghiệp thuộc khu kinh tế Đông Nam với diện tích quy hoạch là 4.650,2 ha và 6 khu công nghiệp ngoài Khu kinh tế Đông Nam với diện tích quy hoạch là 1.660 ha.
Hiện tại, 5/11 khu công nghiệp đã được đầu tư xây dựng hạ tầng, trong đó đã định hình và phát triển các khu công nghiệp mới với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại như KCN VSIP, WHA, Hoàng Mai I đáp ứng quỹ đất sạch phục vụ thu hút đầu tư; tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khu công nghiệp đã thành lập là 55,65%. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh quy hoạch phát triển 53 cụm công nghiệp, trong đó có 24/53 cụm công nghiệp đã thu hút được doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh với tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 81%.
Theo Dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghệ An dự kiến sẽ mở rộng Khu kinh tế Đông Nam từ diện tích 20.776,47 ha hiện tại lên tổng diện tích 105.585 ha; trong đó, đến năm 2030 quy hoạch phát triển 23 khu công nghiệp (gồm 15 khu công nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam mở rộng và 8 khu công nghiệp nằm ngoài khu kinh tế) với tổng diện tích quy hoạch 8.036 ha; tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch 36 khu công nghiệp (gồm 23 khu công nghiệp nằm trong Khu kinh tế Đông Nam mở rộng, 1 khu công nghiệp trong Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy và 13 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế) với tổng diện tích quy hoạch 21.136 ha.
“Những đô thị nào của Nghệ An đã được quy hoạch”, có lẽ luôn là từ khoá tìm kiếm một cách rõ ràng từ các nhà đầu tư khi nói đến Nghệ An trong thời gian gần đây. Từ cơ sở đó, một số ký kết về hợp tác đầu tư được Nghệ An thực hiện với các nhà đầu tư như: Vingroup, Euro Window Holdings, Ecopark…
Theo lãnh đạo tỉnh Nghệ An, sau khi Chính phủ quyết định chuyển hướng ứng phó linh hoạt với Covid-19, tỉnh Nghệ An đã tiên phong thực hiện chủ trương này. Toàn tỉnh khẩn trương phục hồi phát triển kinh tế bằng các chính sách hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và xúc tiến thu hút đầu tư với các dự án FDI.
Cụ thể, tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 235/QĐ-UBND ngày 24/1/2022 về việc phê duyệt Đề án Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025.
Theo đề án này, Nghệ An sẽ tập trung thu hút các dự án sản xuất công nghiệp vào Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nghệ An phấn đấu đến năm 2025 sẽ lấp đầy diện tích đã xây dựng hạ tầng trong các khu công nghiệp VSIP, WHA giai đoạn 1, Hoàng Mai 1.
Song song, Nghệ An sẽ triển khai đầu tư hoàn thành hạ tầng và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp Hoàng Mai 2, Thọ Lộc, WHA giai đoạn II, tăng tỷ lệ lấp đầy 100% các cụm công nghiệp đang hoạt động và 60% các cụm công nghiệp đang xây dựng.
Nghệ An đã có những bước đi rất cụ thể. Tỉnh đã tiến hành rà soát, cập nhật để tích hợp vào quy hoạch của tỉnh các nguồn lực phát triển kinh tế, từ tài nguyên thiên nhiên đến nguồn lực lao động và hạ tầng. Hiện nay, quy hoạch tỉnh đang được xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2022. Đó là cơ sở để tỉnh phát triển kinh tế trong thời gian tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhờ chiến lược đó, tỉnh đã và đang thu hút rất tốt các doanh nghiệp nước ngoài như Tập đoàn Goertek, Tập đoàn Ju Teng... và các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp như VSIP, WHA... nhờ đó đã tạo ra hạ tầng tương đối đồng bộ cho các nhà đầu tư thứ cấp vào Nghệ An.
Đơn cử, Tập đoàn Goertek là một trong những nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Nghệ An với tổng số vốn lên đến 500 triệu USD. Tập đoàn này đã quyết định lựa chọn Nghệ An thành tâm điểm đầu tư dự án sau một năm với dự án ban đầu 100 triệu USD, đã nâng dòng vốn lên đến 500 triệu USD.
Tập đoàn đang triển khai giai đoạn I dự án nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An trên địa bàn huyện Nghi Lộc, thuộc địa phận Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam. Dự kiến cuối năm 2022 sẽ đi vào hoạt động.
Tổng giám đốc Công ty Goertek Vina, ông Yoshinaga Kazuyoshi (Tập đoàn Goertek) cho biết, kiểm tra dự án tại Nghệ An cho thấy, tiến độ đang triển khai đảm bảo, dự kiến vào đầu năm 2023 sẽ đưa vào vận hành sản xuất. “Ban đầu chúng tôi không tin rằng chỉ trong 10 - 15 ngày đã có thể hoàn thành các thủ tục cho các dự án rất lớn để chính thức đầu tư vào Nghệ An”, ông Yoshinaga Kazuyoshi nhận xét.
Ông Yoshinaga cũng chia sẻ định hướng phát triển trong vòng 5 năm tới, Tập đoàn Goertek quyết định chọn Việt Nam để “rót” vốn đầu tư thành “cứ điểm” sản xuất lớn nhất ở nước ngoài, trong đó Nghệ An là một trong những địa điểm quan trọng được lựa chọn để mở rộng sản xuất. Với kế hoạch trên của Goertek Vina, khi toàn bộ dự án đầu tư tại tỉnh này hoàn thành và đi vào sản xuất sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động.
Bất động sản dành cho bạn