Trong nhiều năm qua, lĩnh vực bất động sản công nghiệp đã là một điểm sáng nổi bật, và hiện nay, dự kiến rằng sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng, đưa ra sự dẫn dắt và khích lệ sự tăng trưởng cho thị trường địa ốc trong năm 2024.
Sau một năm 2023 rất thành công trong ngoại giao, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ thêm với nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Theo đó, vị thế của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế cũng liên tục được cải thiện. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), trong quý IV/2023, chỉ số niềm tin kinh doanh tại Việt Nam đã có những chuyển biến mới theo hướng tích cực hơn.
Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit khẳng định, xu hướng tích cực đang diễn ra, các doanh nghiệp đang cảm thấy lạc quan hơn, cho dù vẫn còn một chặng đường dài để phục hồi hoàn toàn. Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tin rằng Việt Nam đã vượt qua thời kỳ kinh tế được cho là đầy thách thức và khó khăn nhất.
Báo cáo của EuroCham cũng nêu rõ, trong quý IV/2023, vị thế “điểm nóng” đầu tư của Việt Nam tăng lên đáng kể, con số ấn tượng là 62% số người được khảo sát đã xếp hạng Việt Nam trong số 10 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu, trong đó 17% xếp Việt Nam ở vị trí cao nhất. Điều này được chứng minh bằng con số 53% số người được hỏi dự đoán đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng vào cuối quý này.
Cuộc khảo sát của EuroCham cũng nêu bật vị trí chiến lược của Việt Nam trong khu vực ASEAN. Trong khi chỉ một phần nhỏ (2%) coi Việt Nam là “lãnh đạo ngành công nghiệp”, thì có tới 29% xếp Việt Nam vào danh sách “các quốc gia cạnh tranh hàng đầu” trong ASEAN. Đa số (45%) coi Việt Nam là đối thủ cạnh tranh mạnh nhất trong khu vực. Quan điểm này nhấn mạnh tầm ảnh hưởng ngày càng tăng và tiềm năng phát triển hơn nữa của Việt Nam trong không gian kinh tế ASEAN hiện nay.
Ông Thue Quist Thomasen - Giám đốc Decision Lab (đơn vị thực hiện các cuộc thăm dò về chỉ số niềm tin nói trên) cho hay, quỹ đạo kinh tế dài hạn của Việt Nam cho thấy con đường tăng trưởng đầy hứa hẹn. Trong ngắn hạn và trung hạn, Việt Nam đang thể hiện khả năng mang tính thương hiệu của mình trong việc mang lại môi trường kinh doanh ổn định ngay cả trong thời điểm kinh tế thế giới suy thoái với kết quả đo lường nằm trong khoảng 40-50 điểm quý thứ 5 liên tiếp. Sự ổn định và tiềm năng cải thiện trong năm 2024 sẽ là cơ sở cho Việt Nam tiếp tục đón nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ.
Theo ông Lê Trọng Hiếu - Trưởng Bộ phận Dịch vụ tư vấn và Giao dịch CBRE Việt Nam, với thị trường bất động sản khu công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy tại các thị trường cấp 1 được giữ ở ngưỡng khả quan. Các nhà sản xuất từ các ngành công nghiệp và quốc gia khác nhau tiếp tục mở rộng mạnh mẽ quy mô tại Việt Nam, cho thấy sự phát triển bền vững trên nhiều lĩnh vực cũng như xu hướng tích cực đối với thị trường khu công nghiệp Việt Nam. Bên cạnh các nhà sản xuất về điện tử, ô tô và phụ kiện, các khách thuê từ những ngành mới trong lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất xe điện, bán dẫn hay vật liệu xanh cũng thể hiện sự quan tâm tới Việt Nam.
Riêng với nhà kho, nhà xưởng xây sẵn, ông Hiếu cho rằng, phân khúc này cũng đã có một năm 2023 nhộn nhịp, nổi bật là khu vực phía Bắc ghi nhận nguồn cung mới cao nhất từ trước đến nay, với tổng cộng 770.000 m2 kho/xưởng xây sẵn được đưa vào sử dụng. Cả 2 thị trường phía Bắc và phía Nam đều ghi nhận sức hấp thụ khả quan, tỷ lệ lấp đầy của nhà xưởng xây sẵn ổn định ở mức 86% ở miền Bắc và tăng nhẹ lên 85% ở miền Nam, bất chấp nguồn cung tăng mạnh. Tỷ lệ lấp đầy của nhà kho xây sẵn ở miền Bắc là 76%, giảm 6% theo năm, trong khi tỷ lệ này vẫn ổn định ở miền Nam. Đáng chú ý, diện tích hấp thụ tại khu vực miền Nam trong nửa cuối năm 2023 cao gấp 3,8 lần so với nửa đầu năm nhờ những điều chỉnh tích cực trong chính sách của chủ đầu tư.
Ông Phạm Vũ Thăng Long - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô Công ty Chứng khoán HSC đánh giá, năm 2023 là năm thành công với Việt Nam trong việc thúc đẩy các quan hệ quốc tế. Nhiều hiệp định hợp tác đa phương giữa Việt Nam với các nền kinh tế được ký kết, quan hệ song phương với Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ… đều được nâng cấp, tạo nên các cơ hội tốt.
Ông Long cho rằng, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để học hỏi mô hình của Nhật Bản, vươn mình trở thành “con hổ của châu Á”. Hiện tại, quy mô GDP của Việt Nam đã chính thức vượt qua Philippines sau 34 năm kể từ khi chỉ bằng 1/6 vào năm 1989. Việt Nam đang dần tiến tới bắt kịp các quốc gia phát triển hơn trong khu vực.
Theo ông Long, năm 2023 dù còn nhiều thách thức đối với bất động sản, thế nhưng các cam kết đầu tư vào lĩnh vực này vẫn ở mức cao nhất từ năm 2019, cho thấy Việt Nam là điểm đến triển vọng, đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp. Cộng với việc tỷ lệ đô thị hóa thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng từ bên ngoài vào trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
“Cam kết FDI từ Trung Quốc Đại lục, Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc)… sẽ ngày càng mạnh mẽ và đây là các tín hiệu rất tích cực. Việt Nam cũng đang phát triển về chuỗi cung ứng, không chỉ là trung tâm sản xuất hàng điện tử, mà còn là điểm đến tiềm năng về sản xuất chất bán dẫn (hiện chiếm tỷ trọng trên 20% trong xuất khẩu hàng điện tử). Do đó, những năm tới, Việt Nam sẽ có nhiều bước tiến dài trong thu hút đầu tư và các khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi lớn từ điều này”, ông Long nhấn mạnh.
Còn ông Paul Tonkers - Phó giám đốc Bất động sản công nghiệp Công ty Core5 Việt Nam nhìn nhận, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng vẫn đang diễn ra và quy mô ngày càng lớn hơn. Các nhà đầu tư cũng đang hướng tới các ngành có giá trị cao như điện tử, bán dẫn…, cho nên các nhà phát triển khu công nghiệp cần cơ cấu lại các dịch vụ, sản phẩm để phục vụ tốt nhu cầu khách thuê, cần có sự điều chỉnh và đáp ứng được các yêu cầu về ESG, tích hợp vào các chiến lược phát triển dài hạn, bền vững như trung hòa carbon, tiết kiệm điện, nước...
“Nhiều nhà sản xuất linh kiện ô tô đang nhắm đến Việt Nam để sản xuất, xuất khẩu. Phần lớn nhà đầu tư cá nhân, tổ chức quốc tế đều coi Việt Nam là điểm đến tiềm năng”, ông Paul Tonkers nhấn mạnh.
Bất động sản dành cho bạn