Sự phục hồi của nền kinh tế, cùng với những cải thiện trong môi trường pháp lý và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đặc biệt là việc ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý và vận hành, sẽ tạo ra những động lực quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường bất động sản vào năm 2025. Những yếu tố này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp mà còn giúp thị trường vận hành minh bạch, ổn định hơn, mở ra nhiều cơ hội phát triển bền vững trong dài hạn.
Thị trường bất động sản Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển giao quan trọng, tiếp nối đà phục hồi từ năm 2024 và từng bước thiết lập một chu kỳ tăng trưởng mới. Sau giai đoạn điều chỉnh kéo dài từ năm 2022 - 2023, những tín hiệu tích cực từ chính sách hỗ trợ và nền kinh tế vĩ mô ổn định đang tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của thị trường.
Theo Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), các yếu tố then chốt thúc đẩy thị trường bất động sản năm 2025 bao gồm sự phục hồi của nền kinh tế, cải thiện môi trường pháp lý, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong quản lý và vận hành, mở rộng danh mục sản phẩm và đa dạng hóa hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, đầu tư công cũng được đẩy mạnh, góp phần nâng cao hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thị trường.
Tổng giám đốc Vietnam Report, ông Vũ Đăng Vinh, nhấn mạnh rằng tốc độ phục hồi kinh tế sẽ là động lực chính định hình thị trường bất động sản năm 2025. Sau giai đoạn khó khăn do lạm phát cao, lãi suất tăng và tín dụng thắt chặt trong năm 2022-2023, nền kinh tế đã lấy lại đà tăng trưởng với mức 7,09% trong năm 2024. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và hướng tới mức hai con số trong những năm tiếp theo nhằm tận dụng lợi thế dân số vàng và nâng cao vị thế của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động.
Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ thường đi kèm với sự gia tăng thu nhập bình quân đầu người, thúc đẩy nhu cầu nhà ở, đặc biệt ở phân khúc trung cấp và giá rẻ tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Dòng vốn FDI dự kiến tiếp tục đổ vào lĩnh vực sản xuất và khu công nghiệp, kéo theo nhu cầu về nhà ở cho người lao động, qua đó thúc đẩy sự phát triển của bất động sản công nghiệp và nhà ở xã hội.
Ngoài yếu tố kinh tế, môi trường pháp lý cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thị trường. Việc sửa đổi và áp dụng sớm ba bộ luật gồm Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Đất đai từ tháng 8/2024 đã đánh dấu bước ngoặt lớn. Trong ngắn hạn, những điều chỉnh này giúp tháo gỡ vướng mắc pháp lý, đặc biệt là đối với các dự án bị đình trệ trong giai đoạn 2022-2023. Luật Đất đai sửa đổi đơn giản hóa các thủ tục giao đất, cho thuê đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Thống kê sơ bộ cho thấy, trong năm 2024, đã có 210 dự án trên cả nước được tháo gỡ, chủ yếu là các dự án nhà ở tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Luật Nhà ở sửa đổi bổ sung nhiều cơ chế linh hoạt, khuyến khích phát triển nhà ở xã hội thông qua các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng. Trong khi đó, Luật Kinh doanh Bất động sản yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện hạ tầng trước khi mở bán và minh bạch thông tin dự án, giúp giảm thiểu rủi ro cho người mua, khôi phục niềm tin vào thị trường.
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VARS), các dự án mới ghi nhận tỷ lệ hấp thụ tốt, đạt trên 70%, thậm chí một số dự án cao cấp có tỷ lệ hấp thụ hơn 90% ngay khi mở bán. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu tài chính khắt khe hơn theo Luật Kinh doanh Bất động sản, đặc biệt là quy định về vốn tự có tối thiểu 15-20% tổng mức đầu tư. Điều này khiến thị trường trong ngắn hạn vẫn phụ thuộc vào các tập đoàn lớn có tiềm lực tài chính mạnh. Bên cạnh đó, tâm lý người mua vẫn còn thận trọng sau những biến động trước đó, khiến nhu cầu chưa thực sự bùng nổ như kỳ vọng.
Về dài hạn, các quy định pháp lý sửa đổi được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi mang tính cấu trúc cho thị trường. Luật Đất đai mới mở rộng quyền tiếp cận đất đai cho nhà đầu tư nước ngoài và Việt kiều, đồng thời minh bạch hóa các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất nhằm hạn chế đầu cơ và thao túng giá. Những điều chỉnh này không chỉ giúp tăng nguồn lực tài chính cho thị trường mà còn thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, đưa giá bất động sản về mức hợp lý hơn.
Dự kiến từ năm 2026 trở đi, khi các chính sách này thực sự phát huy hiệu quả, thị trường sẽ chứng kiến sự gia tăng nguồn cung từ các dự án lớn hợp tác với nước ngoài, đặc biệt trong phân khúc bất động sản công nghiệp và nghỉ dưỡng. Luật Nhà ở sửa đổi tập trung phát triển nhà ở xã hội, hướng đến giải quyết bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp – phân khúc chiếm đến 60-70% nhu cầu tại các đô thị lớn. Nếu thực thi hiệu quả, mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2030 sẽ có thể đạt được, góp phần cải thiện điều kiện sống cho người lao động và công nhân khu công nghiệp.
Ngoài ra, đầu tư công được xem là động lực quan trọng khác thúc đẩy thị trường trong năm 2025. Tổng vốn đầu tư công dự kiến đạt 878.316 tỷ đồng – mức kỷ lục từ trước đến nay, tập trung vào các dự án hạ tầng trọng điểm như cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành, hệ thống đường vành đai, các tuyến metro tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Những dự án này không chỉ tạo cú hích lớn cho thị trường bất động sản mà còn góp phần gia tăng kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nhìn chung, thị trường bất động sản Việt Nam đang có nhiều tín hiệu tích cực nhưng vẫn đối mặt với thách thức về giá bán. Hiện tại, nguồn cung vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, trong khi giá sơ cấp tiếp tục tăng cao, kéo theo giá thứ cấp "neo" ở mức cao. Để thị trường phát triển bền vững, cần có giải pháp cân đối cung – cầu, tạo điều kiện cho nguồn cung mới gia nhập thị trường, đồng thời kiểm soát tốt tình trạng đầu cơ để đưa giá bất động sản về mức hợp lý hơn.
Bất động sản dành cho bạn