Nhà đầu tư cá nhân ưu tiên chọn khu vực ven khu công nghiệp
Thị trường bất động sản tại các khu vực vùng ven khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp (CCN) ở các địa phương đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam. Nhờ tiềm năng sinh lợi cao, ổn định và dư địa phát triển lớn trong tương lai, đây đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Tiềm năng sinh lời vượt trội của BĐS vùng ven KCN
Một trong những lý do chính khiến nhà đầu tư cá nhân lựa chọn bất động sản (BĐS) vùng ven khu công nghiệp (KCN) là tiềm năng sinh lời cao. Theo các chuyên gia BĐS, giá trị BĐS vùng ven có thể tăng 20-30% mỗi năm, mức lợi nhuận hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư truyền thống khác.
Khu công nghiệp Nam Cầu Kiên, Hải Phòng
Ngoài ra, khả năng sinh lời và tính thanh khoản của BĐS vùng ven KCN cũng được đánh giá tốt hơn so với phân khúc căn hộ, nhà phố hay biệt thự. Đặc biệt, các khu vực có hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng phát triển mạnh càng thu hút nhiều nhà đầu tư cá nhân tìm kiếm cơ hội sinh lời hiệu quả.
Bên cạnh tiềm năng tăng giá, BĐS vùng ven KCN còn mang lại dòng tiền ổn định, nhất là với mô hình nhà xưởng cho thuê hoặc nhà trọ phục vụ công nhân. Ví dụ, một nhà xưởng 5.000 m² có thể cho thuê với giá 350 triệu đồng/tháng, mang về hơn 4 tỷ đồng/năm. Chỉ sau 7-10 năm, nhà đầu tư có thể thu hồi vốn và tiếp tục hưởng lợi từ tài sản giá trị này trong dài hạn.
Một lợi thế khác của BĐS vùng ven KCN là mức giá hợp lý hơn nhiều so với trung tâm đô thị. Điều này tạo cơ hội cho nhà đầu tư có nguồn vốn hạn chế hoặc mong muốn tối ưu hóa lợi nhuận. Khi quỹ đất nội đô ngày càng khan hiếm và đắt đỏ, xu hướng chuyển hướng đầu tư ra vùng ven với giá thành rẻ hơn đang ngày càng phổ biến.
Động lực phát triển và xu hướng đầu tư BĐS vùng ven KCN
Sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống hạ tầng giao thông là “chìa khóa vàng” giúp BĐS vùng ven KCN ngày càng hấp dẫn. Nhiều tuyến cao tốc, quốc lộ, vành đai và đường sắt đô thị đang được triển khai giúp kết nối thuận tiện giữa trung tâm và các khu vực lân cận.
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, các tuyến cao tốc trọng điểm như Hà Nội - Hải Phòng, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây... cùng với các dự án mở rộng đường vành đai đã tạo điều kiện cho người dân di chuyển thuận tiện hơn, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Theo TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, sự mở rộng của các KCN kéo theo nhu cầu nhà ở và dịch vụ xã hội cho công nhân ngày càng lớn. Trong bối cảnh quỹ đất trung tâm khan hiếm và giá cao, xu hướng dịch chuyển ra vùng ven để tìm kiếm không gian sống rộng rãi với chi phí hợp lý là tất yếu.
BĐS vùng ven KCN không chỉ đáp ứng nhu cầu thực tế của người lao động mà còn mang lại sự ổn định cho nhà đầu tư, đặc biệt với các dự án nhà ở và nhà trọ phục vụ công nhân. Đây là nhu cầu thiết yếu, ít bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường. Nhà đầu tư có thể tham khảo thông tin về các KCN, CCN trên toàn quốc trong "Niên giám BĐS công nghiệp Việt Nam – Quy hoạch phát triển đến năm 2030" để có cái nhìn tổng quan trước khi ra quyết định đầu tư.
Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả, nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ về vị trí, quy hoạch và tiềm năng phát triển của khu vực, đồng thời đánh giá nhu cầu thị trường để chọn lựa sản phẩm phù hợp. Với sự phát triển liên tục của các KCN và chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, BĐS vùng ven KCN vẫn là một kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn trong tương lai.