Người mua nhà đất đang trải qua một tâm lý nghi ngại và mất niềm tin đối với thị trường bất động sản. Điều này đặc biệt được chủ động bởi những lo ngại xoay quanh hai yếu tố chính là lãi suất và thiếu hụt nguồn cung, góp phần ngăn chặn quá trình phục hồi của thị trường.
Bất chấp những tác động tích cực từ phía chính sách điều hành và hỗ trợ từ doanh nghiệp, thanh khoản nhà đất 6 tháng đầu năm vẫn chưa có nhiều cải thiện. Đà phục hồi diễn ra chậm khi nhu cầu và lực tiêu thụ BĐS tiếp tục suy yếu.
Báo cáo NCTT BĐS từ Batdongsan.com.vn chỉ ra, trong 5 tháng đầu năm, nhu cầu tìm mua nhà đất trên cả nước giảm 33%, lượng sản phẩm BĐS được chào bán cũng giảm 44% so với cùng kỳ 2022.
Riêng trong tháng 5/2023, ngoại trừ căn hộ chung cư phục hồi nhẹ, hầu hết các phân khúc nhà đất trên thị trường đều giảm mạnh sự quan tâm và lượng hàng chào bán từ 5 -7% so với tháng 4. Tâm lý “nghe ngóng” vẫn bao trùm thị trường BĐS. Người có nhu cầu mua nhà đất vẫn chỉ giữ động thái hỏi han, thăm dò thay vì chốt đơn, xuống tiền mua bất động sản.
Số liệu của DKRA Group cũng cho thấy, sức mua BĐS tại các thị trường phía Nam tiếp tục sụt giảm mạnh, trên 95% so với cùng kỳ. Lượng tiêu thụ đất nền ở mức rất thấp, với chỉ 139 nền đất giao dịch thành công, giảm 79% so với cùng kỳ năm trước. Giao dịch thành công tập trung chủ yếu ở các sản phẩm có giá trung bình dưới 15 triệu đồng/m2.
Trong tháng vừa qua, TP.HCM và các tỉnh phía Nam chỉ có 390 căn hộ mới được rao bán, mà chỉ khoảng 35% số này được "chốt" thành công (ước tính khoảng 138 căn). Lượng tiêu thụ và cả nguồn hàng chào bán giảm 90 – 98% so với cùng kỳ. Các chính sách chiết khấu “khủng” với phương thức thanh toán nhanh, kéo giãn kỳ hạn thanh toán v.v tiếp tục được phần lớn chủ đầu tư áp dụng để kích cầu người mua giữa bối cảnh thị trường khó khăn. Tuy nhiên, khá ít dự án thực sự thành công trong việc kéo sức mua trở lại.
Xét về loại hình nhà liền thổ, tháng vừa qua cả khu vực miền Nam mà chỉ có 59 căn biệt thự, nhà liền kề được chào bán, và chỉ tiêu thụ thành công 5 căn, cả nguồn cung và sức mua đều giảm 93-99%. Riêng với loại hình BĐS nghỉ dưỡng, câu chuyện ế ẩm vẫn diễn ra, khi có 9 căn biệt thự nghỉ dưỡng đang rao bán mà chỉ duy nhất 1 căn được bán thành công.
Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cũng xác nhận đến quý 1/2023, tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường chỉ đạt khoảng 11% rổ hàng. Gần 6 tháng đầu năm 2023, toàn cảnh thị trường BĐS ghi nhận tình trạng giao dịch đình trệ cả trong rổ hàng sơ cấp lẫn thứ cấp.
Bên cạnh thiếu hụt sản phẩm, một yếu tố khác ảnh hưởng lớn đến đà phục hồi sức mua nhà đất là câu chuyện niềm tin.
Không bị áp lực tài chính, không thực sự cần huy động tiền nhưng chị T.Thúy vẫn muốn thoát hàng lô đất nền Bình Thuận và căn hộ chung cư TP. Thủ Đức mới mua chưa được 8 tháng. Nguyên nhân chỉ đơn giản là thị trường đang vào thấp điểm, BĐS “mất giá”. Chị không tin tưởng để tiền của mình vào đất, muốn gom tiền về đầu tư sản phẩm khác. Thậm chí là gửi ngân hàng lãi suất thấp cũng cảm thấy an tâm hơn để tiền vào đất rồi khi cần có khi không lấy ra được.
“Lúc thị trường cao điểm, bán ra dễ dàng thì khi cần tiền thoát hàng rất dễ, muốn bán nhanh thì bán giá gốc cũng được. Còn hiện tại, biết khi nào nhà đất mới phục hồi. Có khi là 1 hay 2 năm, mà thời gian này đất cũng không tăng giá, đồng nghĩa 2 năm trời tiền bỏ không vào đất”, chị Thúy cho hay.
Hay đơn giản như một nhà đầu tư tại Bình Dương chia sẻ, “người ta không mua thì mình cũng không mua”. Theo vị này, giờ thấy ai cũng bảo đừng đổ tiền vào mua nhà đất lúc này, chờ thêm thời gian nữa xem sao rồi hãy tính. Vì vậy anh cũng theo tâm lý chung là “chờ”.
Bên cạnh sự nghi ngại, tâm lý chờ đợi cũng khiến nhiều người không muốn xuống tiền mua nhà đất lúc này. Nhiều người mua nhà chờ lãi suất giảm, chờ giá nhà đất hạ xuống thêm, chờ bắt đáy sản phẩm mà mình đã nhắm đến, chờ người bán đuối tài chính phải thoát hàng, thậm chí là chờ chính sách nhà đất mới xem thị trường có “sóng” không thì mới nhảy vào.
Xét về nguyên nhân khiến BĐS “đóng băng” thanh khoản, các chuyên gia cho biết, bên cạnh tình hình kinh tế khó khăn khiến dòng tiền đổ vào các kênh đầu tư giảm mạnh, trong đó có BĐS, lãi vay cao, khó khăn tiếp cận vốn ngân hàng, dòng tiền nhàn rỗi vẫn ưu tiên sự an toàn, trú chân ở kênh gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, yếu tố đáng lo ngại nhất vẫn là tâm lý người mua nhà, tỷ lệ tín nhiệm với thị trường nhà đất đang rất thấp, nhất là niềm tin về sự phục hồi ngắn hạn của bất động sản.
Thêm vào đó, việc lãi suất điều hành giảm nhiều nhưng lãi suất cho vay còn neo cao làm người mua nhà có nhu cầu ở thật cũng chùn tay, lo bẫy lãi suất thả nổi. Các phản ứng hoang mang, lo ngại của khách hàng như mưa dầm thấm lâu, đến khi bất động sản để vuột mất niềm tin nơi người tiêu dùng, sự mất mát đã quá lớn và rất khó khôi phục.
Thị trường địa ốc thời gian qua bộc lộ hàng loạt vấn đề bất cập, khó khăn, thách thức kéo dài dẫn đến khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng. Vấn đề không chỉ là dòng tiền mà còn từ câu truyện pháp lý, chữ tín đến những cơn sốt đất tràn lan nhanh đến nhanh đi tạo ra những ảnh hưởng và đánh giá không mấy tích cực về thị trường. Nhu nhu cầu nhà ở tại các đô thị vẫn rất lớn, câu hỏi được đặt ra lúc này là làm sao để thị trường phục hồi lại niềm tin với người mua nhà và kéo lại thanh khoản đang mất đi.
Bất động sản dành cho bạn