Trên toàn quốc, đang có sự bổ sung đáng kể về dự án nhà ở xã hội. Năm 2023 được đánh giá là một năm đầy triển vọng với nguồn cung phong phú cho phân khúc này. Việc tìm kiếm giải pháp cho bài toán nhà ở giá cả phải chăng đang được tiến hành một cách từng bước.
Nhà ở xã hội là phân khúc bất động sản được Ngân hàng Nhà nước ưu ái về nguồn vốn với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Trong các động thái “giải cứu” thị trường bất động sản, nhà ở xã hội cũng là phân khúc được ưu tiên phát triển. Đây là những yếu tố nền tảng để nhà ở xã hội trở thành phân khúc “nóng” nhất trên thị trường với sự bùng nổ nguồn cung mạnh mẽ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước trong các tháng đầu năm 2023.
Đầu tháng 3/2023, tại Hải Phòng, UBND TP Hải Phòng khởi công xây dựng dự án nhà ở xã hội tại quận Ngô Quyền. Được biết, dự án được xây dựng trên khu đất rộng khoảng 17ha với kinh phí gần 4.900 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Thái – Holding. Dự kiến đến khi bàn giao, dự án nhà ở xã hội này sẽ cung cấp cho thị trường Hải Phòng 10 block nhà chung cư 15 tầng, 4.456 căn hộ với mật độ xây dựng chưa đến 50%.
Cũng tại Hải Phòng, dự án Khu nhà ở xã hội MoonBay Residence có vị trí tại 384 Lê Thánh Tông (Ngô Quyền) cũng đang mở bán. Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Hóa chất vật liệu điện Bình Phát. Dự án được hình thành trên khu đất có tổng diện tích là 1,9ha với 3 tòa chung cư cao 29 tầng và nhà ở thương mại thấp tầng. Dự kiến khi hoàn thành, MoonBay Residence sẽ cung cấp cho thành phố Cảng hơn 1.000 căn nhà ở xã hội có diện tích từ 68-70m2.
Tại Quảng Ninh, phân khúc nhà thu nhập thấp sẽ đón thêm nguồn hàng mới đến từ dự án nhà ở xã hội Khu dân cư đồi Ngân hàng, thuộc 2 phường Hồng Hải và Cao Thắng (TP Hạ Long). Được biết, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, gồm 3 tòa nhà chung cư, với 986 căn do Liên danh Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư tài chính Toàn Cầu và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, dự án sẽ được khánh thành và đưa vào sử dụng quý I/2026.
Tại Thanh Hoá, ba đơn vị là Công ty CP Viet Incons, Công ty CP Vinaconex 21 và Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hà Nội cùng liên danh và được UBND tỉnh chấp thuận là nhà đầu tư Dự án nhà ở xã hội phường Nam Ngạn, TP. Thanh Hóa. Dự án Nhà ở xã hội phường Nam Ngạn có tổng vốn đầu tư hơn 3.700 tỉ đồng, được thực hiện trên khu đất có diện tích 28.002,9 m2, với khoảng 2.400 căn hộ.
Dù đang được chú trọng phát triển nhưng tổng thể, nhà ở xã hội vẫn đang thiếu hụt trầm trọng so với nhu cầu. Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, sau 12 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đến nay cả nước đã hoàn thành 7,8 triệu m2 nhà ở xã hội dành cho công nhân, người lao động. Kết quả này mới đáp ứng khoảng 42% chỉ tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.
Con số nhà ở xã hội đạt được vẫn đang quá khiêm tốn so với nhu cầu. Theo tiến sĩ Trần Xuân Lượng, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, để thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội phát triển, cần chú trọng các chính sách dài hạn và gốc rễ của vấn đề. Đó là việc phải xây dựng dữ liệu đất đai theo thị trường để từ đó đưa ra những chính sách, quyết sách bám sát thị trường. Bên cạnh đó, để nguồn cung nhà ở xã hội gia tăng cần có quỹ đất sạch cho nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Các thủ tục hành chính đối với nhà ở xã hội cũng cần phải được cắt giảm và tạo sự thông thoáng trên cơ sở luật định. Để các nhà đầu tư yên tâm triển khai nhà ở xã hội thì sự ưu tiên về pháp lý, thủ tục thẩm tra, thẩm định phải minh bạch, rõ ràng.
Nguồn vốn cho nhà ở xã hội thì ngoài nguồn vốn từ bán nhà ở hình thành trong tương lai, thì để đa dạng nguồn vốn, cần huy động vốn từ các tổ chức nước ngoài, từ lượng kiều hối… Bên cạnh đó, Nhà nước cần phải giảm lãi suất ưu đãi xuống thấp hơn…
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt nam cho biết gói tín dụng 120 ngàn tỷ dành cho nhà ở xã hội là một động thái nhằm thúc đẩy phân khúc này phát triển của Chính phủ. Gói tín dụng mới sẽ có những tác động tích cực không chỉ với nhà ở xã hội mà còn với cả thị trường bất động sản. Gói 120 ngàn tỷ đồng sẽ phát huy hiệu quả khi đi cùng với những quy định cụ thể về các nhóm đối tượng được tham gia, hướng dẫn cụ thể trong việc tiếp cận và giải ngân, các yêu cầu, điều kiện. Ngoài ra, Nhà nước nên huy động nhiều ngân hàng cùng tham gia để việc giải ngân được thực hiện nhanh chóng, tránh thực trạng ùn tắc, ngưng trệ hồ sơ.
Bất động sản dành cho bạn