Mặc dù đã có hàng loạt nghị quyết và chỉ đạo được ban hành nhằm giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản và doanh nghiệp trong lĩnh vực này, tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, khó khăn vẫn còn ngày một gia tăng và nguy cơ phá sản của các doanh nghiệp ngày càng cao.
Theo báo cáo về "Thực trạng sức khỏe thị trường BĐS VN" của Hội Môi giới BĐS VN (VARS), từ đầu năm 2022, Chính phủ đã tạo ra những chiếc "phao" để cứu thị trường và DN nhưng vẫn chưa đến được với DN, giúp DN có thể bám vào, tạo đà ngoi lên mặt nước. Trong khi sức chống đỡ của các DN có giới hạn, nếu không "ngoi lên" kịp thời, chắc chắn sẽ bước sang giai đoạn "sặc nước, ngừng thở" đồng loạt. Số lượng DN BĐS giải thể trong 5 tháng đầu năm 2023 tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước, số lượng thành lập mới giảm 61,4%. do thị trường đóng băng nên số lượng môi giới hoạt động trên thị trường chỉ còn khoảng 30 - 40% so với thời điểm cuối năm 2022. Trong quý 1/2023, nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 25.000 sản phẩm, chủ yếu là hàng tồn kho từ các dự án mở bán trước đó.
Thiếu nguồn cung phù hợp cộng với dòng tiền yếu và niềm tin sụt giảm khiến lượng giao dịch đi xuống "thê thảm". Cụ thể, tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường trong quý 1 chỉ đạt khoảng 11%, tương đương hơn 2.700 giao dịch, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2022. Hơn 90% DN ghi nhận doanh thu quý 1 sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có tới 39% DN có doanh thu sụt giảm tới 20 - 50% và 61% sụt giảm trên 50% so với cùng kỳ. Thậm chí một số DN quy mô dưới 100 nhân viên có mức giảm doanh thu lên tới 70 - 80%. Khó khăn buộc nhiều DN phải cắt giảm nhân sự. Tính chung cả nước có trên 95% DN BĐS phải thu hẹp quy mô lao động và có tới 50% số DN phải giảm quy mô lao động hơn 20% so với quý 2/2022.
"Nếu tình hình thị trường BĐS vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn thì có tới 23% DN không thể duy trì hoạt động được tới hết quý 3/2023 và chỉ khoảng 43% DN trụ được đến hết năm nay", VARS cảnh báo.
Theo chuyên gia BĐS Nguyễn Hoàng, có 2 vấn đề cần làm để vực dậy thị trường BĐS là tháo gỡ pháp lý và "bơm" tiền ra thị trường. Liên quan đến pháp lý, từ đầu năm 2022 đến nay, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã nỗ lực rất nhiều, thậm chí "lệnh" cho cán bộ công chức phải làm việc, "ai không làm thì đứng sang một bên". Thế nhưng khó khăn, vướng mắc của DN dường như đang được xử lý khá chậm chạp. Điển hình ở TP.HCM, dù lãnh đạo TP đã có chủ trương cho một số dự án đã làm xong móng, hoàn thành nghĩa vụ tài chính, thậm chí có dự án đã xây dựng xong được bán 50% số căn hộ trong dự án, thế nhưng từ giữa tháng 2 đến nay, các DN vẫn mỏi mòn chờ thông báo cho bán nhà từ Sở Xây dựng.
"Thủ tục này khá đơn giản nhưng từ lúc có chủ trương đến nay mấy tháng vẫn chưa xong. Như vậy thử hỏi các thủ tục khác rắc rối hơn thì còn lâu đến thế nào. cần sớm tháo gỡ pháp lý để các dự án nhà ở, nhất là nhà ở xã hội (NOXH) được tung ra thị trường. Khi đó DN có hàng để bán, giúp thị trường nhộn nhịp trở lại", chuyên gia Nguyễn Hoàng nói và cho biết thêm hiện có 4 nguồn tiền đang "đóng băng" trong ngân hàng (NH), rất lãng phí nguồn lực. Đầu tiên là NH chính sách xã hội có 11.000 tỉ dùng để cho vay NOXH chưa dùng đến. Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng và gói tín dụng 40.000 tỉ đồng giảm 2% lãi suất cũng đang ế ẩm. Một khoản tiền lớn khác là khoảng 1 triệu tỉ đồng tiền mặt là vốn đầu tư công chưa thể giải ngân, còn đang gửi NH. Nếu các khoản tiền này được "bơm" ra thị trường thì ngay lập tức không chỉ BĐS mà cả nền kinh tế được hưởng lợi, có thể sớm hồi phục.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, đề nghị NH Nhà nước báo cáo Thủ tướng xem xét dành một phần của gói tín dụng 120.000 tỉ đồng và gói 40.000 tỉ đồng giảm 2% lãi suất năm 2022 (giải ngân chưa đáng kể) hỗ trợ DN đang gặp khó khăn hiện nay. Trong đó, tập trung hỗ trợ người tiêu dùng và khách hàng để làm tăng tổng cầu giúp cho nền kinh tế, trong đó có thị trường BĐS. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cần tiếp tục trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề xuất gói tín dụng ưu đãi NOXH 110.000 tỉ đồng theo cơ chế tái cấp vốn, cấp bù lãi suất từ ngân sách nhà nước, đáp ứng được khoảng 30% nguồn vốn để thực hiện chương trình phát triển 1 triệu căn NOXH giai đoạn 2021 - 2030. Theo kinh nghiệm thực hiện thành công gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng trước đây thì các NH thương mại được cấp bù lãi suất 1 đồng có thể huy động được 33 đồng vốn của xã hội, mang lại hiệu quả rất lớn.
Bất động sản dành cho bạn