Thị trường BĐS đang đối mặt liên tiếp với những khó khăn và thách thức đáng kể, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các dự án bất động sản và làm cho hoạt động môi giới trở nên ngày càng khó khăn hơn. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp và các nhà môi giới phải thích nghi và tìm cách vượt qua giai đoạn khó khăn này bằng cách điều chỉnh và thay đổi phương pháp làm việc.
Là ngành đóng góp một phần quan trọng trong nền kinh tế, tuy nhiên bất động sản lại đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn và thách thức. Trong đó, thanh khoản thị trường thì suy yếu, pháp lý lĩnh vực này còn nhiều bất ổn, thiếu dòng vốn đã khiến các dự án bất động sản bị đình trệ kéo dài, doanh nghiệp bất động sản đối mặt với tình trạng thua lỗ, nguy cơ giải thể tăng cao,…
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, bất động sản là ngành tạo ra nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân cũng như tạo ra các hoạt động lao động cho nhiều người dân. Chính vì thế, khi bất động sản có dấu hiệu suy giảm mạnh đã gây tác động ngay đến 40 ngành, nghề liên quan.
“Khi không có dòng chảy của hoạt động thanh toán bất động sản dẫn đến mất thanh khoản, dòng vốn bị tắc khiến các hoạt động cung ứng cho bất động sản cũng dừng lại theo, từ việc cung ứng nguyên vật liệu, vật tư trong và ngoài công trình cho đến hoạt động môi giới cũng bị lung lay. Điều này ngay lập tức làm suy giảm tăng trưởng GDP của các ngành này, kéo theo giảm tăng trưởng GDP nói chung của nền kinh tế. Về lâu về dài, nếu như không cẩn trọng sẽ gây hại cho sức khỏe nền kinh tế”, ông Thịnh cho biết.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp bất động sản do còn vướng mắc nhiều khó khăn nên đến giờ phút này hầu như không có dự án mới nào được khởi công. Chính vì thế mà nguồn công việc của các doanh nghiệp xây dựng và các đơn vị thi công cũng bị ảnh hưởng đi kèm với nhiều khó khăn. Điều lo ngại nhất các doanh nghiệp xây dựng hiện nay là các doanh nghiệp và nhà thầu xây dựng đang đứng trước nguy cơ không có việc làm.
Đã có không ít các doanh nghiệp đã buộc phải cắt giảm nhân sự, thay đổi dòng sản phẩm, thay đổi chiến lược kinh doanh, tối ưu hóa chi phí để tăng mức độ thanh khoản, đảm bảo duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Thị trường đang chứng kiến hàng loạt các công nhân trong các nhà máy bị nghỉ việc, hàng nghìn môi giới phải chuyển đổi sang ngành nghề khác.
Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, có khoảng 50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động đi kèm với hàng nghìn lao động mất việc chỉ riêng trong quý I/2023. Tính đến nay, số lượng môi giới còn hoạt động trên thị trường hiện nay chỉ còn khoảng 30 – 40% so với giai đoạn đầu năm 2022.
Theo các chuyên gia dự báo, nếu không nhìn nhận một cách thận trọng, các doanh nghiệp và bản thân các môi giới bất động sản không có những phương án đối mặt một cách chủ động, tìm ra hướng đi đúng đắn, kịp thời trong giai đoạn hiện nay thì sẽ rất dễ rơi vào tình trạng khủng hoảng kéo dài.
Ông Đinh Quang Tuấn, nguyên Phó tổng giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị Đất Xanh Miền Bắc cho biết, số lượng môi giới bị nghỉ việc trong thời gian qua là rất nhiều. Nhìn lại giai đoạn khủng hoảng của năm 2010 – 2013, tương tự với giai đoạn hiện nay đều là các sàn giao dịch bất động sản cũng đóng cửa rất nhiều, các môi giới nghỉ việc tràn lan.
“Bản thân tôi cũng đã trải qua thời điểm khủng hoảng và rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm và trải nghiệm quý báu. Chuyên tâm làm việc thay vì chạy theo người khác, chính vì vậy từ những mối quan hệ xây dựng từ xưa đến nay, mọi người đã cùng nhau vượt qua được cuộc khủng hoảng đó, xây dựng được nền tảng vững chắc”, ông Tuấn chia sẻ.
Ông Tuấn cũng đưa ra lời khuyên cho các môi giới trong thời điểm hiện tại, nghề môi giới bất động sản là một nghề khó chứ không hề đơn giản như chúng ta thường nghĩ, để có thể trụ lại được với nghề và thành công thì các bạn cần phải kiên định với nghề trong khoảng từ 5 – 7 năm thì mới xây dựng được cho mình thương hiệu cá nhân, xây dựng cho mình được độ uy tín với công ty, uy tín với khách hàng và uy tín với chính bản thân của mình.
“Khi chúng ta trụ được với nghề trong một khoảng thời gian nhất định, khi ấy sẽ là thời điểm để chúng ta gặt hái được những thành công dựa vào bất động sản. Tuy nhiên, đây là ngành nghề dễ làm giàu vì vậy sẽ luôn đi kèm với sự đào thải mãnh liệt, các môi giới bất động sản cần cố gắng để vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Tuấn nói.
TS. Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tài chính bất động sản Đất Xanh (Tập đoàn Đất Xanh) cho biết, trong bối cảnh ngày càng nhiều những quy định về chứng chỉ môi giới thì đây sẽ là khoảng thời gian cho các doanh nghiệp môi giới tập trung vào các hoạt động đào tạo, chuẩn hóa doanh nghiệp để xây dựng đội ngũ có chuyên môn, kinh nghiệm dày dạn,…. Đây là một trong những cách củng cố nguồn lực chuẩn bị cho thị trường bất động sản khi quay trở lại.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tiến hành sành lọc, tinh giản hệ thống, tuyển dụng nhân sự có chọn lọc, nâng cao uy tín. Các môi giới nên lựa chọn những chủ đầu tư uy tín, đủ năng lực triển khai dự án. Đồng thời, doanh nghiệp môi giới giới cũng cần xây dựng chiến lược lâu dài, sẵn sàng đối phó với những kịch bản xấu có thể diễn ra của thị trường bất động sản.
Ông Khôi nhấn mạnh thêm, các doanh nghiệp cũng có thể tận dụng thời cơ hiện nay để tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái ngành, ứng dụng công nghệ trong công tác bán hàng và quản trị doanh nghiệp.
Bất động sản dành cho bạn