Việc xây nhà, làm công trình nhà ở kéo dài hàng tháng đến vài năm nên cả doanh nghiệp và người dân đều chao đảo vì bão giá.
Dù hoạt động thi công đã được khôi phục nhưng “bão” giá nguyên vật liệu ập đến khiến việc kinh doanh nửa đầu năm của nhiều doanh nghiệp xây dựng không được suôn sẻ. Tình hình về cuối năm cũng sẽ không mấy khả quan vì dòng vốn đổ vào thị trường bất động sản đang bị kiểm soát chặt dẫn đến các chủ đầu tư khó khăn hơn về tài chính.
Giá VLXD té nước theo mưa khiến các nhà thầu xây dựng lẫn người dân đứng ngồi không yên. Hoãn thi công là phương án được lựa chọn nhiều nhất.
Nếu tiếp tục thi công thì công ty chắc chắn thua lỗ nên ông Nguyễn Văn Huấn, Giám đốc Công ty Xây dựng LK (TP.HCM), phải thương thảo lại với chủ đầu tư về chi phí VLXD. May mắn là chủ đầu tư hiểu nên đôi bên hỗ trợ nhau nhằm giảm bớt thiệt hại, tiến độ xây dựng vẫn đảm bảo nhưng chắc chắn chi phí xây nhà tăng khoảng 20%.
Theo ông Huấn, xây nhà dân dụng thì chi phí sắt, thép chiếm khoảng 10%-20%, còn xây nhà xưởng thì sắt, thép chiếm tới 20%-30%. Như vậy, chỉ riêng thép, nhà thầu đã lỗ khoảng 15%-20% so với giá trúng thầu. Nhà dân dụng chi phí xây dựng tăng khoảng 15%-20%, nhà xưởng còn tăng cao hơn nữa.
“Thời gian xây dựng kéo dài ít nhất vài tháng nên nguy cơ bị trượt giá tác động là rất lớn. Trong khi đó, nhà xưởng quy mô lớn, giá VLXD biến động khiến nhiều công ty không dám nhận thầu” - ông Huấn nói.
Anh Duy Thái (quận 12, TP.HCM) cho biết phải hoãn kế hoạch xây nhà trong năm nay vì giá VLXD tăng cao. Ban đầu anh Thái dự kiến chi phí khoảng 2,5 tỉ đồng nhưng nay sẽ phải lên khoảng 3 tỉ đồng.
Lúc này, các chủ đầu tư cũng không vui vẻ gì khi giá VLXD tăng đẩy giá bán các sản phẩm tăng. Đại diện một công ty BĐS ở TP Thủ Đức cho biết chi phí xây dựng tăng khoảng 15%-20% do giá VLXD, nhân công tăng. Tất cả chi phí này sẽ được tính vào giá bán các căn hộ và khách mua nhà là người phải gánh.
Khi giá VLXD tăng lên 40%-50% thì buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá bán lên 5%-10%, thậm chí là 15% để bù vào chi phí.
Theo đại diện công ty này, các dự án chưa công bố bán hàng hoặc chưa khởi công thì chủ đầu tư còn có thời gian điều chỉnh giá, thay đổi kế hoạch bán hàng nhưng với các dự án đã và đang khởi công xây dựng thì phải chấp nhận thiệt thòi về lợi nhuận.
Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và VLXD TP.HCM, cho hay mỗi công trình, dự án, chi phí VLXD chiếm 70%-80% giá thành. Khi giá tăng bắt buộc nhà thầu phải tăng giá. Tuy nhiên, khi hợp đồng đã ký, mọi thứ sẽ rất khó khăn nếu chủ đầu tư yêu cầu bên thi công giữ giá cũ. Nếu tăng giá, nhà đầu tư cũng đứng trước nguy cơ lỗ nặng bởi biên độ lợi nhuận trong ngành xây dựng hiện nay khá thấp. Điều này sẽ dẫn tới nguy cơ nhà thầu không thể tiếp tục thi công, ảnh hưởng lớn đến tiến độ.
Các tập đoàn lớn đều có chính sách để điều tiết lại với nhà thầu. Mặc dù vậy, giải pháp này khá bị động và chỉ mang tính tạm thời.
Mặc dù giá thép, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm khá mạnh những ngày gần đây, nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng tình hình chung vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Các mặt hàng vật liệu xây dựng khác như cát, đá, xi măng vẫn còn neo cao, thị trường bất động sản bị tác động tiêu cực khiến nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể lạc quan trong thời gian tới.
Theo ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, sau hai năm chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch, ngành xây dựng lại gặp khó khăn khi các doanh nghiệp bất động sản bị kiểm soát nguồn vốn vay chặt chẽ hơn khiến việc thanh toán cho nhà thầu bị chậm trễ, nhiều dự án đầu tư bị trì hoãn.
Những khó khăn đó chưa qua đi thì cuộc chiến tranh Nga – Ukraine đã khiến đầu tư nước ngoài không tăng mạnh như kỳ vọng, giá cả leo thang chóng mặt. Khó khăn chồng chất khiến rất nhiều nhà thầu quy mô lớn, trước đây làm ăn rất tốt nhưng thời gian vừa qua phải đối diện với nguy cơ phá sản nếu không có sự hỗ trợ từ Chính phủ.
“Với các dự án mới, chủ đầu tư thường chốt một mức giá cố định, khi giá vật liệu leo thang, không ít nhà thầu rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu tiếp tục thi công thì càng làm càng lỗ, còn không làm thì sẽ mất uy tín, bị phạt hợp đồng, phạt chậm tiến độ”, ông Hải chia sẻ.
Báo cáo của VACC mới đây cũng nêu lên các vấn đề khúc mắc của ngành và doanh nghiệp xây dựng hiện nay. Đầu tiên, số lượng công việc 6 tháng qua dù có khá hơn năm 2021 song vẫn còn rất ít, chủ yếu do khối doanh nghiệp FDI mang lại và cũng chỉ dành cơ hội cho các doanh nghiệp lớn. Hầu hết doanh nghiệp không muốn làm dự án trong nước, nhất là dự án đầu tư công vì tiến độ thanh toán dài mà rủi ro từ giá nguyên vật liệu là rất lớn.
Tiếp đó là các vấn đề liên quan đến lao động thiếu hụt sau dịch, thủ tục giao nhận thầu phức tạp và tốn kém. Các vấn đề kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, hồi tố truy thu những dự án đã tất toán từ rất lâu rồi cũng khiến nhiều doanh nghiệp bị động. Vấn đề đáng nói nhất hiện nay là việc cạn “room” tín dụng đang khiến các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng gặp khó khăn về dòng vốn.
“Nếu theo đơn giá bình thường, làm hết sức chặt chẽ, quản lý tốt, doanh nghiệp xây dựng có biên lợi nhuận khoảng 4%. Nhưng hiện nay do tình hình nợ đọng, giá vật liệu xây dựng tăng, không được bù giá, doanh nghiệp xây dựng càng làm càng lỗ. Nếu tình hình này tiếp diễn 5 năm nữa, chắc không còn doanh nghiệp xây dựng nào tồn tại”, Chủ tịch VACC nói.
Theo nhận định của một số công ty chứng khoán, trong cơ cấu chi phí xây dựng, nguyên vật liệu chiếm đến 65-70% giá dự toán xây dựng công trình, trong đó thép và xi măng là hai vật liệu quan trọng nhất. Hiện diễn biến giá thép hạ nhiệt giúp các doanh nghiệp xây dựng hưởng lợi đáng kể. Tuy nhiên giá xi măng vẫn tăng lên 1,65 – 1,7 triệu đồng/tấn do chi phí nguyên liệu đầu vào như than, điện, xăng dầu, thạch cao, các loại phụ gia, vỏ bao, giá cước và nhân công đều tăng khiến cho doanh nghiệp chưa cải thiện được tình hình.
Dựa trên thực tế này, các chuyên gia từ Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đưa ra nhận định, mặc dù doanh nghiệp có sự chủ động ứng phó nhưng tăng trưởng vẫn ở mức thấp. Điều này cho thấy một kế hoạch quản trị khủng hoảng có lẽ là chưa đủ. Các doanh nghiệp đang hứng chịu những tác động tiêu cực do việc bỏ qua đầu tư vào chiến lược phục hồi kinh doanh. Trong khi đây là chiến lược không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn từ những rủi ro, gián đoạn mà còn có thể phục hồi nhanh hơn.
Bất động sản dành cho bạn