Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, hoạt động tín dụng bất động sản (BĐS) đang có xu hướng tăng trưởng từng tháng với những chuyển biến tích cực.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Tp.HCM, tính tới thời điểm cuối tháng 4/2024, tổng dư nợ BĐS trên địa bàn Tp.HCM là 981,5 ngàn tỷ, tăng 1,61% so với cuối năm 2023.
Phân tích số liệu theo từng tháng cho thấy trong tháng 1/2024 tín dụng BĐS giảm 0,49%; tháng 2 giảm 0,01% và đến tháng 3 tăng trưởng trở lại ở mức 0,96% và tháng 4/2024 là tháng tăng trưởng cao nhất, lên tới 1,15%. Nếu phân tích theo từng tháng thì rõ ràng là tín dụng BĐS đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, đặc biệt là tháng 4/2024.
Theo thống kê của NHNN, dư nợ tín dụng cho vay khu công nghiệp, khu chế xuất, kinh doanh bất động sản và cho vay chuyển nhượng quyền sử dụng đất có tốc độ tăng trưởng cao hơn các lĩnh vực khác. Trong đó, dư nợ cho vay đầu tư khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 44,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với cuối năm 2023.
Tuy nhiên, nếu xét riêng về tín dụng cho vay BĐS với mục đích để sử dụng như mua nhà để ở, xây và sữa chữa nhà ở, chuyển quyền sử dụng đất để xây nhà ở… thì đây vẫn là phân khúc có tỷ trọng cao nhất, chiếm 68% trong tổng dư nợ bất động sản trên địa bàn.
Theo VTV, đặt trong mối liên hệ của tín dụng BĐS cả nước thì tín dụng BĐS của Tp.HCM chiếm khoảng 33% trong tổng dư nợ bất động sản của cả nước và nếu phân tích tín dụng chung trên địa bàn thì chiếm khoảng 27%. Ngược trở lại những năm gần đây tín dụng bất động sản cũng chiếm 27 đến 28% tổng dư nợ tín dụng, tuỳ theo thời điểm.
Đánh giá về tiềm năng để khơi thông dòng vốn cho lĩnh vực bất động sản, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay các bộ, ngành đang tích cực hoàn thiện những văn bản pháp lý hướng dẫn triển khai ba bộ luật quan trọng là Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật các Tổ chức tín dụng 2024. Vì thế, các khó khăn vướng mắc về pháp lý vốn là khó khăn mấu chốt của trường bất động sản kỳ vọng sẽ sớm được tháo gỡ, từ đó các dự án đang triển khai dang dở có thể nối lại. Thị trường trái phiếu, nguồn vốn tín dụng cũng sẽ có cơ hội để phục tiếp tục đà phục hồi trong các quý cuối năm.
Đặc biệt, với nguồn vốn dồi dào và lợi thế vay vốn giá rẻ, nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đang đổ vốn vào các lĩnh vực bất động sản công nghiệp, du lịch và bất động sản nhà ở.
Chia sẻ về tiềm năng thu hút vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản, ông Trương Khắc Duy Minh, Phó Tổng Giám đốc KCN Việt Nam cho biết, dòng vốn tiếp tục diễn biến tích trong bối cảnh Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút đầu tư. Ngoài yếu tố khách quan như xu hướng chuyển dịch sản xuất, cũng cần ghi nhận sự tích cực đến từ chính sách của Chính phủ giúp thu hút đầu tư, tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài.
Trong đó, dòng vốn nước ngoài đổ vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam đã có mức tăng trưởng khá tích cực. Cụ thể, đến tháng 4/2024, đã có khoảng 1,6 tỷ USD được các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Con số này cao gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái và là con số khá ấn tượng khi thị trường bất động sản trong nước vẫn còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, tuy có những tín hiệu hồi phục rõ ràng hơn, nhưng chuyên gia cũng đánh giá chung rằng thị trường vẫn đối diện với nhiều khó khăn trong thời gian tới, ít nhất là trong ngắn hạn khi các quy định mới trong các bộ luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản cần thêm thời gian để “ngấm”.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng, các giải pháp khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp hiện nay tập trung chủ yếu ở các giải pháp tình thế từ đàm phán gia hạn trái phiếu, bên cạnh tập trung vào tín dụng ngân hàng. Bên cạnh đó, một giải pháp khác đặt ra là tăng cường huy động thêm vốn, tức tăng vốn chủ sở hữu.
Ngoài ra, để khơi thông dòng tiền, các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng vào cơ chế, hành lang pháp lý rõ ràng, thuận lợi hơn, cũng như kỳ vọng việc đẩy nhanh các dự án công, liên kết ngành, từ đó giúp giảm thiểu chi phí và nâng cao sức cạnh tranh.
Bất động sản dành cho bạn