Với tư duy đổi mới và tầm ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ, thế hệ Millennial (Gen Y) và Gen Z đang tái định hình thị trường bất động sản toàn cầu, bao gồm nhà ở, văn phòng và du lịch nghỉ dưỡng.
Gen Y & Gen Z thay đổi cách tiếp cận bất động sản
Chiếm gần một nửa dân số thế giới, thế hệ Millennials (Gen Y, sinh từ đầu thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990) và Gen Z (sinh từ cuối thập niên 1990 đến cuối thập niên 2000) đang trở thành nhóm khách hàng quan trọng nhất trong lĩnh vực bất động sản. Với lối sống, giá trị và sở thích khác biệt, họ đang thay đổi cách thiết kế, sử dụng và vận hành không gian sống, làm việc và giải trí trong những thập kỷ tới.
Là thế hệ am hiểu công nghệ, Gen Y và Gen Z có khả năng tiếp cận thông tin nhanh chóng nhờ Internet. Tuy nhiên, họ cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các biến cố toàn cầu như khủng hoảng tài chính 2008, đại dịch COVID-19 và làn sóng sa thải hàng loạt trong những năm gần đây. Điều này khiến họ ưu tiên sự linh hoạt, tiết kiệm và cân bằng giữa công việc - cuộc sống hơn so với các thế hệ trước.

Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam, cả Gen Y và Gen Z đều coi trọng trải nghiệm thực tế và đặc biệt quan tâm đến sức khỏe, môi trường và các vấn đề xã hội. Với sức mua ngày càng tăng, hai thế hệ này đang tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới, tác động đến cách họ suy nghĩ, làm việc, chi tiêu và du lịch – từ đó, định hình lại thị trường bất động sản.
Một điểm khác biệt đáng chú ý giữa Gen Y, Gen Z và các thế hệ trước là quan điểm về sở hữu nhà ở. Thay vì chạy theo mô hình sở hữu nhà truyền thống, nhiều người trẻ hiện nay ưa chuộng các giải pháp linh hoạt hơn như thuê nhà dài hạn, thuê mua hoặc sống chung. Xu hướng này ngày càng được củng cố bởi giá nhà đất tăng cao, vượt quá khả năng tài chính của phần lớn người trẻ, trong khi thế hệ Baby Boomers vẫn nắm giữ phần lớn tài sản bất động sản.
Theo thống kê, 90% trong số 200 thành phố lớn trên thế giới đang chứng kiến sự gia tăng chi phí sinh hoạt, bao gồm giá nhà đất và học phí. Điều này thúc đẩy nhu cầu về những giải pháp nhà ở thông minh, tiết kiệm chi phí thay vì tập trung vào diện tích lớn hay quyền sở hữu lâu dài.
Đối với Gen Y và Gen Z, công nghệ không chỉ là công cụ mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Khi tìm kiếm nhà ở, họ ưu tiên những không gian tích hợp công nghệ cao với hệ thống an ninh hiện đại, trợ lý ảo, thiết bị tiết kiệm năng lượng và hệ thống điều khiển từ xa. Xu hướng này đang thúc đẩy sự phát triển của các mô hình nhà thông minh và căn hộ tích hợp tiện ích số.
Cùng với đó, các nền tảng giao dịch bất động sản ứng dụng AI, tự động hóa và truyền thông mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ. Các công cụ định giá trực tuyến, ứng dụng quản lý bất động sản, nền tảng thương mại điện tử trung gian và các mô hình môi giới kỹ thuật số đang thay đổi cách thức giao dịch truyền thống. Ngoài ra, tiếp thị bất động sản trên mạng xã hội cùng trải nghiệm thực tế ảo tăng cường (AR/VR) cũng đang trở thành yếu tố quan trọng trong việc thu hút sự quan tâm của thế hệ người mua nhà mới.
Thị trường việc làm và sự tác động đến bất động sản
Không chỉ thay đổi cách tiếp cận bất động sản, Gen Y và Gen Z cũng đang định hình lại thị trường việc làm. Với sự hỗ trợ của Internet và trí tuệ nhân tạo (AI), nhiều người trẻ ngày nay chủ động hơn trong việc định hướng sự nghiệp. Họ ưa chuộng lịch làm việc linh hoạt, đa nhiệm với các công việc phụ, thậm chí lựa chọn phong cách sống của một "digital nomad" (du mục kỹ thuật số) – làm việc từ xa tại bất kỳ đâu.
Sự thay đổi này đã tác động mạnh mẽ đến thị trường văn phòng. COVID-19 đã đẩy nhanh xu hướng làm việc kết hợp (hybrid work), buộc các doanh nghiệp phải tìm cách cân bằng giữa việc thu hút nhân tài trẻ, duy trì văn hóa doanh nghiệp và tối ưu hóa năng suất làm việc. Việc bốn thế hệ (Gen X, Millennials, Gen Z và Baby Boomers) cùng tồn tại trong một môi trường công sở đặt ra bài toán không chỉ với nhà tuyển dụng mà còn với các chủ đầu tư và chủ sở hữu bất động sản văn phòng.
Ông David Jackson nhận định, nhiều tòa nhà văn phòng đang được cải tạo để đáp ứng tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị), trong khi các dự án mới ưu tiên thiết kế không gian làm việc mở, linh hoạt và tích hợp tiện ích chia sẻ. Những xu hướng này giúp thu hút nguồn nhân lực trẻ, đồng thời tối ưu hiệu suất vận hành của doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, Gen Y và Gen Z chiếm 44% dân số, trong đó khoảng 70% là nhóm khách hàng tiềm năng của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, giá nhà tại các đô thị lớn ngày càng tăng khiến nhiều người trẻ chuyển sang xu hướng thuê nhà dài hạn hoặc chia sẻ không gian sống. Điều này mở ra cơ hội cho các dự án nhà ở giá hợp lý, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của bất động sản cho thuê với lợi suất cao.

Song song đó, xu hướng sống xanh cũng đang định hình thị trường. Các chủ đầu tư ngày càng chú trọng phát triển căn hộ tích hợp không gian làm việc tại nhà (home office), sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và ứng dụng công nghệ nhà thông minh. Mô hình phức hợp (kết hợp nhà ở, văn phòng, bán lẻ và không gian công cộng) cũng đang được ưa chuộng, đáp ứng nhu cầu sống và làm việc linh hoạt của thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, thị trường văn phòng tại Việt Nam vẫn thiếu hụt nguồn cung đạt chứng nhận xanh. Tính đến năm 2024, số lượng công trình xanh trong nước vẫn thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Malaysia, Thái Lan hay Singapore. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các chủ đầu tư tập trung vào phát triển những dự án văn phòng chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của lực lượng lao động trẻ và xu hướng phát triển bền vững.
Sự thay đổi về nhân khẩu học đang tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức cho thị trường bất động sản. Theo ông David Jackson, không chỉ cần thích nghi với nhu cầu của thế hệ mới, mà các nhà phát triển bất động sản còn cần có trách nhiệm xây dựng một tương lai bền vững, đảm bảo không thế hệ nào bị bỏ lại phía sau.