Xét về mặt phong thủy, đối với cây cối, sẽ có nhiều Ngũ hành tùy vào từng loại cây, hình dáng, màu sắc, tuy nhiên Ngũ hành chủ đạo của cây đều là Ngũ hành Mộc. Vẫn còn nhiều gia chủ chưa hiểu sâu về vấn đề này nên thường vướng phải những lỗi phong thủy.
Nếu xét cây có hợp với người hay không, thì phải xét tương quan của ngũ hành Mộc so với Cung Phi của từng người. Như vậy, người có cung phi Cấn và Khôn thuộc ngũ hành Thổ, thì nên hạn chế trồng cây nhiều vì Mộc khắc Thổ, gây tổn hại xấu.
Tất nhiên, nếu trồng cây ở mức độ vừa phải thì vẫn có thể chấp nhận được, miễn sao năng lượng ngũ hành Mộc đừng quá lớn trong không gian sống của người có cung phi Cấn và Khôn. Một số người sử dụng Dụng Thần bộ môn Tứ Trụ Tử Bình để tìm cây phù hợp với từng người, tuy nhiên đây chỉ nên là yếu tố cân nhắc sau cùng, quan trọng nhất trong phong thủy nhà ở vẫn là Cung Phi.
Tuy nhiên, cách chọn loại cây xanh hợp với từng người nói chung đều có khiếm khuyết nhất định, vì chưa phù hợp với ngôi nhà có nhiều người, khi đó tuổi mỗi người mỗi khác, có thể đối với người này hợp nhưng với người khác thì không hợp với cây xanh.
Vậy nên, ở cấp độ cao hơn của việc ứng dụng phong thủy cây xanh trong kiến trúc, đó là trồng cây phù hợp với vị trí từng nơi trong ngôi nhà, để mục đích cuối cùng là cây cối phải bổ trợ cho phong thủy ngôi nhà tốt. Vì lí do đó, nên ta phải hiểu rõ mỗi cung, mỗi góc trong nhà có ngũ hành gì?
Theo trường phái Bát Trạch hay Huyền Không thì có sao gì ở đó? Sao đó tốt hay xấu? Nếu là sao tốt thì ngũ hành Mộc của cây có hỗ trợ tốt thêm không? Nếu là sao xấu thì ngũ hành Mộc của cây có làm giảm bớt cái xấu không? Đó mới là nguyên tắc trồng cây xanh chuẩn phong thủy.
Tâm nhà tức là vị trí trung tâm của ngôi nhà. Nếu nhà hình vuông hoặc chữ nhật, thì tâm nhà là giao điểm 2 đường chéo. Tâm nhà cần thông thoáng, không nên có thứ gì đè nén, như vậy sẽ ảnh hưởng xấu đến việc khởi phát năng lượng cho căn nhà. Ngoài ra tâm nhà mang ngũ hành Thổ, cây xanh ngũ hành Mộc, Mộc khắc Thổ là điều không nên.
Cây xanh trước nhà luôn mang đến nhiều tác dụng về thẩm mỹ, cũng như giúp điều hòa không khí, lọc bụi, tăng cường oxy vào trong nhà. Tuy nhiên những ưu điểm trên chỉ phù hợp khi kích thước, mật độ cây xanh vừa phải. Xét về mặt thực tế, nếu cây xanh trước nhà lớn dễ gây các phiền toái khi rụng lá hoặc mùa mưa bão dễ ngã đổ, gây nguy hiểm cho mọi người.
Về mặt phong thủy, ta hay nghe câu “Minh Đường” cần rộng rãi, tức trước nhà nên thoáng rộng để đón được nhiều sinh khí. Nếu trước nhà có cây xanh lớn, choáng trước cửa chính, khi đó khí vào nhà sẽ gặp vật cản, nên trường khí vào nhà rất hạn chế, không tối ưu về mặt phong thủy.
Khoảng cách giữa cây xanh và ngôi nhà càng xa thì mức độ ảnh hưởng càng ít, ngược lại cây xanh càng sát cửa nhà thì càng ngăn nhiều năng lượng vào nhà. Khi có quá nhiều cây, sẽ gây ra nhiều năng lượng âm không tốt.
Bạn thử tưởng tượng bóng cây che hết mặt tiền, ánh sáng không thể vào căn nhà, thì ngôi nhà sẽ trở nên tăm tối, u ám, ảm đạm biết bao. Trường hợp này càng xấu hơn đối với những nhà kinh doanh buôn bán, vì tầm nhìn từ ngoài vào đều bị che khuất.
Ngoài ra, nhiều cây xanh cũng đồng nghĩa với ngũ hành Mộc đang quá mạnh, điều này dễ dẫn đến những việc không hay nếu nơi đặt cây xanh không đúng phong thủy, lúc đó sẽ làm bùng mạnh sự ảnh hưởng xấu lên nhiều hơn. Trong phong thủy, sự cân bằng về mặt Ngũ Hành luôn được coi trọng, vậy nên Ngũ Hành Mộc cho dù tốt hay xấu cũng nên ở mức độ phù hợp, hài hòa với cảnh quan.
Dân gian có câu: “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”. Ngoài cây đa, cây gạo, cây đề, ta cũng cần hạn chế trồng các cây mít, cây xương rồng lớn, cây liễu, cây dâu tằm, vì những loại cây này đều mang nhiều âm khí hoặc trường khí không tốt.
Nguyên tắc chọn cây trồng trong nhà, phải thỏa mãn các yêu cầu: cây có kích thước phù hợp, sống được trong môi trường thiếu sáng, thanh lọc không khí và đặc biệt phải có chức năng quang hợp ngược, nhả khí oxy vào ban đêm.
Các loại cây được ưa chuộng trồng trong nhà như: lan ý, lưỡi hổ, nha đam, cỏ nhện, thường xuân, trầu bà, cau cảnh, oải hương,…
Bất động sản dành cho bạn