Có những khoản vay mới với lãi suất thấp chưa từng thấy. Thậm chí, một số ngân hàng còn đồng ý chấp nhận hợp đồng thuê bất động sản làm tài sản thế chấp, nhưng thị trường vẫn chưa thể hấp thụ dòng vốn này, dẫn đến tăng trưởng tín dụng chậm chạp.
Ngân hàng VPbank vừa có thông báo cho vay vốn thuê, mua bất động sản khu công nghiệp, cụm công nghiệp với lãi suất chỉ từ 0,6%/tháng. Đặc biệt, ngân hàng này chấp nhận tài sản đảm bảo là hợp đồng thuê, mua bất động sản khu công nghiệp, cụm công nghiệp với hạn mức cho vay tới 70% giá trị hợp đồng, thời hạn vay tới 20 năm.
BVBank cũng công bố lãi suất vay từ 5%/năm, áp dụng cho các khoản vay mua, xây dựng, xây sửa nhà. Biên độ sau khi hết ưu đãi là 2%/năm. Lãi suất thả nổi trong khoảng 9,5-10%/năm.
Sacombank áp dụng lãi suất cố định 6,5%/năm trong 6 tháng, 7%/năm cố định 12 tháng, 8%/năm cố định 24 tháng cho các khoản vay mua, xây, sửa bất động sản. Hết thời gian cố định, lãi suất sẽ điều chỉnh định kỳ 3 tháng/lần…
Nhóm ngân hàng quốc doanh gồm BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank áp dụng lãi suất vay từ 5-7%/năm, tùy kỳ hạn.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn Cầu - cho biết, thủ tục cấp tín dụng cho doanh nghiệp và dự án bất động sản vẫn khá phức tạp, với 2 bước kéo dài trung bình 2 tháng và hồ sơ đòi hỏi nhiều loại giấy tờ không cần thiết (như biên bản, nghị quyết đại hội đồng cổ đông có ghi đích danh ngân hàng cho vay vốn, dự án vay vốn, số vốn vay). Điều này đã làm chậm trễ việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Chưa kể, đa số dự án bất động sản hiện nay bị vướng mắc về mặt pháp lý chưa được tháo gỡ hoàn toàn. Vì thế, tuy lãi suất giảm nhưng để doanh nghiệp tiếp cận được dòng vốn tín dụng rất khó khăn.
Lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc chia sẻ, đối với các dự án, điều kiện tiên quyết được vay là dự án phải có chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, để có được văn bản chấp thuận này, dự án phải đáp ứng điều kiện là phải có đất ở hợp pháp. Có nhiều dự án dù hiệu quả, khả thi, nhưng không thể đáp ứng quy định này vì thiếu đất ở. Đây là quy định rất xa thực tế.
Đối với nhà đầu tư và người mua nhà ở thật thời điểm này cũng chưa dám vay vốn dù lãi suất thấp.
Chị Minh Hằng (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chị định bán nhà chung cư khoảng 3 tỷ đồng để chuyển xuống mua nhà mặt đất. Tuy nhiên, chị Hằng ngạc nhiên khi đi tìm hiểu các loại hình nhà trong ngõ đều có giá trên 5 tỷ đồng. Như vậy, để mua được nhà, tính số tiền tiết kiệm gia đình có, chị Hằng vẫn phải vay tín dụng gần 2 tỷ đồng.
“Hiện lãi suất rất thấp, các ngân hàng không chỉ cố định 1 năm, thậm chí 2-3 năm đầu. Nhưng hiện tôi không dám mua vì giá nhà cao và số tiền vay nhiều. Nếu như thu nhập vài năm nữa có sự thay đổi khó có thể gánh lãi trong nhiều năm tiếp theo. Tôi không thể dồn hết số tiền gia đình có vào nhà ở”, chị Hằng nói.
Bất động sản dành cho bạn