Khi “dòng tiền rẻ” được bơm vào thị trường, nó sẽ có xu hướng chảy vào những kênh đầu tư có tiềm năng sinh lời cao và khả năng giữ giá trị lâu dài. Trong bối cảnh giá vàng đang ở mức đỉnh lịch sử và biến động mạnh, bất động sản – một lĩnh vực nhạy cảm với các chu kỳ tiền tệ – có thể trở thành điểm đến ưu tiên cho dòng tiền tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn.
Tín hiệu phục hồi và cơ hội mới cho thị trường bất động sản
Thị trường bất động sản vừa đi qua giai đoạn khó khăn nhất. Dù vẫn còn tồn tại một số thách thức, nhưng mức độ khó khăn đang giảm dần theo thời gian — tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước.
Đặc biệt, trong bối cảnh tín dụng được nới lỏng và dòng tiền giá rẻ tiếp tục được bơm vào nền kinh tế, thị trường bất động sản đang đứng trước cơ hội đón nhận làn sóng đầu tư mới. Việc Ngân hàng Nhà nước chính thức dừng phát hành tín phiếu từ ngày 5/3/2025 đã phát đi một tín hiệu mạnh mẽ về định hướng nới lỏng tiền tệ, nhằm kéo giảm mặt bằng lãi suất theo đúng chủ trương của Chính phủ.

Mặc dù lãi suất điều hành chưa giảm, nhưng lãi suất huy động đã liên tục điều chỉnh giảm sau chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, từ ngày 25/2 đến 25/3/2025, có 24 ngân hàng thương mại trong nước đã giảm lãi suất huy động từ 0,1% đến 1,05%/năm tùy kỳ hạn. Bên cạnh đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 đặt ở mức 16%, tương đương khoảng 2,5 triệu tỷ đồng sẽ được bơm vào thị trường, góp phần hỗ trợ thanh khoản và kích thích đầu tư.
Theo VARS, trong bối cảnh vàng biến động mạnh và đã lên mức cao kỷ lục, bất động sản và chứng khoán là hai kênh đầu tư hấp dẫn, có khả năng tích trữ tài sản lâu dài và tiềm năng sinh lời tốt. Đặc biệt, với đặc thù nhạy cảm trước các chu kỳ tiền tệ, bất động sản có thể nhanh chóng phản ứng với xu hướng giảm lãi suất, tạo nên những đợt sóng đầu tư mới.
Cơ hội phục hồi bền vững và yêu cầu thận trọng trong chiến lược đầu tư
Thị trường đang ghi nhận những dấu hiệu phục hồi rõ rệt từ nguồn cung. Theo VARS, trong năm 2024 có tới 65.376 sản phẩm bất động sản chào bán mới, gấp 3 lần so với năm 2023. Dự báo năm 2025, nguồn cung nhà ở sẽ tiếp tục tăng thêm khoảng 10%. Sự phục hồi này nhờ vào việc tháo gỡ khó khăn cho hàng loạt dự án cũng như cấp phép các dự án mới, bao gồm cả nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng thống kê có 210 dự án được tái triển khai trong năm 2024, số dự án cấp phép mới cũng tăng 18% so với cùng kỳ. VARS kỳ vọng xu hướng tích cực này sẽ tiếp tục, đặc biệt khi các luật mới về đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản có hiệu lực, đồng thời kế hoạch sáp nhập tỉnh thành giúp đơn giản hóa thủ tục pháp lý.
Tỷ lệ hấp thụ dự kiến trên 70% trong năm 2025, dù có thể chững lại do giá bất động sản đã tăng cao tại một số khu vực. Áp lực lạm phát cũng là yếu tố hỗ trợ giữ giá bất động sản trong xu thế tăng.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Văn Đính, chính sách tín dụng dù nới lỏng vẫn kèm theo kiểm soát chặt chẽ nhằm hạn chế rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Thông tư 06/2023/TT-NHNN đặt ra nhiều quy định kiểm soát vay vốn bất động sản, như không cho vay để chứng minh tài chính, không cho vay đặt cọc đối với dự án chưa đủ điều kiện pháp lý, hay không cho vay để bù đắp tài chính đã chi trước.

Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 cũng đưa ra những quy định tương đồng, giúp giảm thiểu rủi ro cho cả nhà đầu tư, ngân hàng và toàn nền kinh tế.
Ông Trần Văn Bình – Tổng thư ký VARS – nhận định, về dài hạn, lãi suất vay vẫn sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như lạm phát, chính sách tiền tệ toàn cầu, đặc biệt là diễn biến từ Fed. Nếu Fed cắt giảm lãi suất điều hành trong năm 2025 như dự kiến, sẽ tạo thêm dư địa để Việt Nam nới lỏng chính sách tiền tệ, thúc đẩy đầu tư.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp nên tập trung phát triển các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thật của người dân, nhất là phân khúc nhà ở xã hội, căn hộ trung cấp – vừa dễ tiếp cận vốn vay, vừa có tỷ lệ hấp thụ cao. Với nhà đầu tư cá nhân, nên hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao, tránh các sản phẩm bị “thổi giá” và ưu tiên khu vực có tiềm năng phát triển thực, hạ tầng hoàn thiện, nhu cầu ở thực cao – nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư lâu dài.