Gần đây, nhờ các cơ chế, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ cùng với sự quyết tâm của chính quyền địa phương, khoảng 500 dự án và công trình bất động sản từng gặp vướng mắc suốt nhiều năm tại TP.HCM đang từng bước được tháo gỡ và khơi thông.
Chủ đầu tư một dự án chung cư tại huyện Nhà Bè (xin giấu tên) cho biết, dự án vừa được tháo gỡ các vướng mắc pháp lý. Mặc dù phần xây dựng thô đã hoàn tất trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nhưng do chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, dự án buộc phải tạm ngừng thi công trong thời gian dài.
Tương tự, dự án 1.330 căn hộ thương mại New City (thuộc khu đô thị Thủ Thiêm, do liên danh Công ty CP Địa ốc Sài Gòn, Công ty TNHH Xây dựng thương mại Thuận Việt và Công ty CP Sản xuất thương mại Thành Thành Công làm chủ đầu tư) cũng vừa được tháo gỡ vướng mắc nhờ Nghị quyết 170/2024. Mặc dù dự án đã được xây dựng hoàn chỉnh và bàn giao nhà cho khách hàng, nhưng trong nhiều năm, việc chưa xác định giá tiền sử dụng đất khiến người mua chưa được cấp sổ hồng.
Ông Võ Văn Bé – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng thương mại Thuận Việt – cho biết: Năm 2018, chủ đầu tư đã tạm nộp hơn 712 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Sau khi có giá đất chính thức, công ty sẽ hoàn tất nghĩa vụ tài chính và tiếp tục thực hiện các thủ tục để cấp sổ hồng cho người dân.
Một dự án khác tại huyện Nhà Bè là khu nhà ở Tân An Huy cũng đang được xem xét để tái khởi động. UBND huyện Nhà Bè đã gửi văn bản đề xuất TP.HCM cho phép Công ty CP Xây dựng và kinh doanh nhà Tân An Huy tiếp tục triển khai. Dự án này bị đình trệ từ năm 2017 sau khi chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc cũ (người nắm giữ 99% cổ phần) qua đời. Sau đó, thành phố đã tiến hành thanh tra toàn diện, yêu cầu công ty khắc phục nhiều sai phạm.
Ông Nguyễn Hồng Hải – Chủ tịch HĐQT Công ty Tân An Huy – khẳng định: “Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực để đưa dự án hoạt động trở lại và cam kết chấp hành nghiêm các chỉ đạo từ cơ quan chức năng”.
Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến TP.HCM đã đồng loạt triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản tồn đọng. Lần đầu tiên, Quốc hội ban hành Nghị quyết 170, tạo hành lang pháp lý đặc thù nhằm xử lý, khơi thông 64 dự án bị “trùm mền” nhiều năm.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 171/2024 cũng được ban hành, cho phép thực hiện thí điểm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất, dù không phải là đất ở. Riêng tại TP.HCM, chính sách này đã giúp tháo gỡ cho hơn 343 khu đất thuộc hơn 300 doanh nghiệp.
Trước đây, các doanh nghiệp dù có quyền sử dụng đất nhưng không phải đất ở thì vẫn không thể triển khai dự án. Tình trạng này kéo dài hơn 10 năm khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào thế bế tắc. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rà soát và tháo gỡ cho 1.533 dự án bị vướng mắc trên cả nước, trong đó nhiều dự án nằm trong tình trạng tương tự như các dự án được xử lý theo Nghị quyết 170.
Tại TP.HCM, chính quyền địa phương cũng tích cực vào cuộc. UBND thành phố đã thành lập Tổ công tác 5324, chuyên trách xử lý các dự án tồn đọng. Tổ công tác đã có 2 báo cáo gửi Thủ tướng về kết quả thực hiện Công điện 112, nhằm giải quyết dứt điểm các dự án bị đình trệ, ngừng thi công, giúp hoàn thành và đưa vào sử dụng, tránh gây lãng phí.
TP.HCM cũng đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo xử lý 12 công trình, dự án còn tồn đọng, trong đó có 9 dự án đầu tư và 3 tài sản công đang gặp vướng mắc. Thành phố đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ giải quyết 100% dự án vướng mắc thuộc thẩm quyền UBND TP.HCM và 50% các dự án thuộc thẩm quyền của cơ quan trung ương.
Bất động sản dành cho bạn