Hạ tầng tỷ đô thúc đẩy thị trường bất động sản khu Đông TP.HCM
Nhiều chuyên gia và tổ chức nghiên cứu dự báo rằng bất động sản khu Đông TP.HCM, đặc biệt là phân khúc nhà thấp tầng, sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025 nhờ những tác động tích cực từ kinh tế vĩ mô. Các dự án nằm tại trung tâm với quỹ đất đẹp và hạ tầng đồng bộ đang sở hữu nhiều lợi thế vượt trội, thu hút sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư với tỷ lệ hấp thụ vượt 80%.
Dòng tiền đổ vào BĐS ngày một nhiều
Sau thời gian trầm lắng, thị trường bất động sản TP.HCM đang cho thấy dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Báo cáo ngày 8/2 của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định thị trường đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, ghi nhận mức tăng trưởng từ -0,5% năm 2023 lên 9% trong năm 2024.
Theo nghiên cứu của Avision Young, trong quý IV/2024, tỷ lệ hấp thụ bất động sản tại TP.HCM đạt 75%, cao hơn mức trung bình 65%, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đang dần trở lại.
Thị trường BĐS khu Đông TP.HCM
Bước sang năm 2025, TP.HCM không chỉ chào đón nhiều sự kiện quan trọng mà còn chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, hướng đến nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP của thành phố ở mức 8,5%, trong khi TP.HCM tham vọng vươn tới mốc 10%.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, thành phố dự kiến huy động 620.000 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó vốn nhà nước chiếm 156.240 tỷ đồng, vốn tư nhân 401.760 tỷ đồng và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 62.000 tỷ đồng. Dòng vốn khổng lồ này sẽ là cú hích quan trọng cho thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà liền thổ, khi nhiều dự án hạ tầng trọng điểm được triển khai, mở rộng không gian phát triển kinh tế - đô thị.
Avision Young cũng đánh giá, các chính sách ưu đãi về thuế, mở rộng quyền sở hữu bất động sản cho người nước ngoài, tháo gỡ vướng mắc pháp lý và giảm lãi suất vay sẽ góp phần thu hút dòng vốn dài hạn vào thị trường.
Ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm 2024, tương đương 2,5 triệu tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế, nâng tổng dư nợ tín dụng lên khoảng 18 triệu tỷ đồng. Với xu hướng dòng tiền đổ mạnh vào bất động sản, ước tính năm nay, lĩnh vực này có thể thu hút khoảng 3,8 triệu tỷ đồng, tạo động lực thúc đẩy thị trường tiếp tục khởi sắc.
Đòn bẩy cho BĐS là hạ tầng
Báo cáo của Avision Young chỉ ra rằng sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng tổng thể không chỉ nâng cao khả năng kết nối của TP.HCM mà còn gia tăng thanh khoản và đẩy mạnh giá trị bất động sản.
Không phải ngẫu nhiên mà khu Đông trở thành tâm điểm thị trường nhà ở năm 2024, với tỷ lệ hấp thụ tại TP.Thủ Đức vượt 80%. Đây là khu vực sở hữu mạng lưới hạ tầng giao thông trọng điểm, bao gồm Xa lộ Hà Nội (nay là Võ Nguyên Giáp), đại lộ Mai Chí Thọ, đường Phạm Văn Đồng, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây... Đặc biệt, cuối năm 2024, khi tuyến Metro số 1 chính thức vận hành, diện mạo đô thị sẽ có bước chuyển mình đáng kể.
Trong tương lai, hàng loạt công trình hạ tầng tỷ đô như Vành đai 3, sân bay Long Thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành, nút giao An Phú sẽ lần lượt hoàn thành, không chỉ giải quyết bài toán giao thông mà còn mở rộng kết nối vùng, thúc đẩy giao thương quốc tế. Với tất cả những lợi thế này, khu Đông đang vươn mình trở thành “đất vàng” của giới đầu tư, tiếp tục giữ vững vị thế là điểm sáng trên bản đồ bất động sản TP.HCM.
Khan hiếm nhà ở thấp tầng
Trong bối cảnh kinh tế phát triển và nhu cầu nhà ở không ngừng gia tăng, quỹ đất tại TP.HCM ngày càng khan hiếm. Nhiều chủ đầu tư ưu tiên phát triển các dự án cao tầng để tối ưu chi phí và lợi nhuận, khiến nhà thấp tầng gần trung tâm trở thành “hàng hiếm” mà không phải ai cũng có thể sở hữu.
Theo CBRE, trong hai năm qua, nguồn cung nhà phố và biệt thự chỉ đạt 10-20% so với giai đoạn vàng 2016-2022. Dự kiến trong năm 2025, TP.HCM sẽ có thêm 9.000 căn hộ, nhưng nguồn cung nhà liền thổ chỉ dừng lại ở 2.000 căn, con số này vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn.
Trong khi đó, nhà ở thấp tầng hiện hữu lại tồn tại nhiều bất cập. Nhà mặt tiền các tuyến đường lớn có giá cao, nguồn cung khan hiếm, còn nhà trong hẻm nhỏ thường không được quy hoạch bài bản, thiếu tiện ích và khó tiếp cận.
Chính vì vậy, các dự án thấp tầng nằm trong những khu đô thị quy hoạch bài bản, tích hợp đầy đủ tiện ích, có pháp lý minh bạch, tiến độ thi công đảm bảo và tọa lạc tại những vị trí có khả năng kết nối vùng tốt – điển hình như khu Đông – đang trở thành tâm điểm thanh khoản. Không chỉ đáp ứng nhu cầu ở thực, các sản phẩm này còn mang giá trị đầu tư bền vững.
Tàu điện Metro khu vực phía Đông TP.HCM
Những dự án nằm dọc theo các trục giao thông huyết mạch như Đỗ Xuân Hợp, Xa lộ Hà Nội, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, đại lộ Mai Chí Thọ và tuyến Metro số 1 sẽ giúp cư dân kết nối nhanh chóng với trung tâm thành phố cũng như các sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Long Thành.
Báo cáo triển vọng thị trường của Avision Young cho thấy chỉ khoảng 800 căn nhà liền thổ thuộc các dự án nổi bật tại TP.HCM sẽ ra mắt vào đầu năm 2025. Trong đó, khu Đông chỉ có hai dự án thừa hưởng trọn vẹn lợi thế từ hạ tầng giao thông.
Tâm điểm của thị trường chính là các dự án thấp tầng nằm trong những khu đô thị quy hoạch đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Đây không chỉ là lựa chọn lý tưởng để an cư mà còn là tài sản mang giá trị gia tăng nhờ tính khan hiếm và tiềm năng phát triển mạnh mẽ.