Nhiều dự án nhà ở, khu đô thị đang triển khai thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc hoặc dừng triển khai thực hiện do nhiều nguyên nhân
Bộ Xây dựng cho biết, năm 2022, nguồn cung nhà ở khan hiếm, cơ cấu sản phẩm nhà ở nghiêng về phân khúc nhà ở trung – cao cấp, nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu, cơ cấu sản phẩm bất động sản bình dân giảm từ 20% (năm 2019) xuống dưới 5% trong năm 2022, số lượng dự án triển khai rất hạn chế.
Cụ thể, cả nước có 126 dự án phát triển nhà ở thương mại với 55.732 căn hộ được cấp phép (số lượng dự án bằng khoảng 52,7% so với năm 2021). Trong đó, có 466 dự án với 228.029 căn hộ đang được triển khai xây dựng (bằng khoảng 47,7% so với năm 2021). Và có 91 dự án với 18.206 căn hộ đã hoàn thành xây dựng (bằng khoảng 55,2% so với năm 2021).
Về nhà ở xã hội, trên cả nước có 09 dự án được cấp phép mới với quy mô 5.526 căn hộ. Trong đó, có 114 dự án với 6.196 căn hộ đã hoàn thành xây dựng và 27 dự án với 8.245 căn hộ đủ điều kiện bản nhà ở hình thành trong tương lai.
Trên cả nước có 02 dự án nhà ở công nhân được cấp phép mới với quy mô 1.729 căn hộ. Trong đó có 01 dự án với 32 căn hộ đã hoàn thành xây dựng và 04 dự án với 2.328 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Cũng theo Bộ Xây dựng, Lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ thành công trong các quý trong năm 2022 không ổn định. Lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ thành công trong các quý của năm 2022 không ổn định, tăng cao nhất vào quý II sau đó giảm và thấp nhất vào quý IV. Tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ trong năm 2022 là 154.756 giao dịch, bằng khoảng 138,6% so với năm 2021.
Trong khi đó, lượng giao dịch đất nền thành công trong các quý của năm 2022 cũng không ổn định, tăng mạnh nhất vào các quý I, quý II sau đó giảm mạnh trong quý III và quý IV.
Riêng về giá bất động sản, nhìn chung trong năm 2022, giá bán được điều chỉnh về giá trị thực. Các sản phẩm phù hợp với nhu cầu ở thực, có thanh khoản tốt trong dài hạn và nhu cầu cho thuê vẫn ghi nhận tỷ lệ hấp thụ tốt.
Tuy nhiên, lượng giao dịch không cao bởi việc hạn chế khoản vay tín dụng không chỉ ảnh hưởng đến nhà đầu tư mà còn khiến những người có nhu cầu ở thực khó tiếp cận khoản vay. Trong khi đó, cơ cấu nguồn cung chủ yếu là các sản phẩm cao cấp, mặc dù đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi, chiết khấu nhưng giá bán vẫn ở mức cao.
Bộ Xây dựng cho biết thêm, giá bất động sản đặc biệt là nhà ở và đất nền liên tục tăng trong quý I và quý II, chững lại ở quý III và quý IV có điều chỉnh giảm ở một số dự án nhưng không nhiều. Hầu hết vẫn giữ ở mức cao đã thiết lập cuối quý II.
Bộ Xây dựng cho biết Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ qua các buổi làm việc với các địa phương, doanh nghiệp bất động sản và qua báo cáo của các địa phương, doanh nghiệp gửi về cho thấy hiện có rất nhiều dự án nhà ở, khu đô thị đang triển khai thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc hoặc dừng triển khai thực hiện do nhiều nguyên nhân.
Cụ thể, số lượng dự án gặp vướng mắc tại TP. HCM có khoảng trên 80% dự án trên số lượng 180 dự án nhà ở, khu đô thị; TP. Hà Nội có 50% dự án trên số lượng 170 dự án nhà ở, khu đô thị; TP. Đà Nẵng có 60% dự án trên số lượng 75 dự án nhà ở, khu đô thị; TP. Hải Phòng có 30% dự án trên số lượng 65 dự án nhà ở, khu đô thị; TP. Cần Thơ có 40% dự án trên số lượng 79 dự án nhà ở, khu đô thị…
Điển hình, trong vấn đề về thể chế, quy định của pháp luật, Bộ Xây dựng cho biết có nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân liên quan đến pháp luật về đất đai.
Cụ thể, nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc, triển khai chậm do quy định về phương pháp định giá đất rất khó xác định đâu là giá thị trường; nhiều trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện;…
Liên quan đến vấn đề về thể chế, quy định của pháp luật còn có khó khăn, vướng mắc về pháp luật về quy hoạch như đối với trường hợp quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên; thẩm quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung; các dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, đang triển khai thực hiện nhưng căn cứ, cơ sở pháp lý đã hết hiệu lực.
Chưa hết, những khó khăn, vướng mắc trong vấn đề thể chế, quy định của pháp luật còn liên quan đến pháp luật về đầu tư; pháp luật về nhà ở, đô thị và xây dựng.
Bên cạnh những khó khăn, vướng mắc về thể chế, quy định của pháp luật thì còn có nhiều khó khăn, vướng mắc về phát triển nhà ở xã hội.
Đơn cử như, hình thức giao đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội; lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; quyền và ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng cho biết thêm, những khó khăn của thị trường còn xuất phát từ nguyên nhân liên quan đến nguồn vốn tín dụng.
Theo Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp bất động sản phản ánh rất khó khăn trong tiếp cận vốn, vay vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng, đặc biệt là giai đoạn nửa cuối năm 2022, ngay cả khi đối với trường hợp có tài sản đảm bảo do các ngân hàng hết hạn mức cho vay đồng thời với sự kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn vốn tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.
Cùng với đó, các tổ chức, cá nhân là khách hàng mua bất động sản không được giải ngân cho vay, thậm chí trước đó đã ký hợp đồng cho vay của ngân hàng dẫn đến các doanh nghiệp không bán được sản phẩm để thu hồi vốn và tái đầu tư.
Chưa hết, lãi suất cho vay giai đoạn cuối năm 2022 tăng cũng tạo thêm khó khăn trong huy động vốn tín dụng để triển khai dự án bất động sản trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, thanh khoản giảm mạnh.
Bộ Xây dựng cũng đã nêu ra hàng loạt khó khăn, vướng mắc khác liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp; những diễn biến của thị trường chứng khoán; việc tổ chức thực thi pháp luật của các địa phương.
Đặc biệt là những thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến thị trường, doanh nghiệp, như nhiều thông tin không chính xác, không chính thống gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, đặc biệt là các thông tin về tài chính, tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu, xử lý vi phạm tại một số doanh nghiệp đã gây tâm lý hoang mang cho khách hàng, nhà đầu tư, gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán.
Những thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, khiến nhiều người e ngại, nghe ngóng, tạm dừng đầu tư vào bất động sản và chuyển sang các kênh đầu tư khác. Ngoài ra, thông tin tiêu cực còn ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp và dự án kinh doanh không bán được hàng, không có dòng tiền, khó khăn trong thanh khoản.
Bất động sản dành cho bạn