Báo cáo mới nhất về thị trường bất động sản tại TP.HCM cho thấy nguồn cung nhà ở đã giảm trong quý IV/2023. Sự suy giảm này làm cho mục tiêu phát triển nhà ở của TP.HCM cho giai đoạn 2021-2025 trở nên khó khăn hơn.
Theo báo cáo của công ty CBRE Việt Nam, nguồn cung bất động sản mở bán tại TP.HCM trong năm 2023 đạt mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Cụ thể, cả năm, thị trường TP chỉ có hơn 8.700 căn hộ chung cư và gần 30 căn nhà ở thấp tầng được mở bán mới, giảm lần lượt bằng 54% và 98% so với năm 2022.
Trong 6 tháng cuối năm 2023, nguồn cung mới chỉ cải thiện nhẹ, tăng 11% so với 6 tháng đầu năm. Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho biết, nguồn cung mới không những ít mà còn tập trung nhiều vào phân khúc cao cấp: “Đây là vấn đề thách thức của thị trường. Nhìn vào nguồn cầu của thị trường, rõ ràng nhu cầu cho phân khúc trung cấp và bình dân chiếm tỷ trọng rất lớn. Đây là vấn đề tiếp tục là thách thức trong thời gian tới”.
Công ty Savills Việt Nam cùng chung nhận định về tình trạng nguồn cung căn hộ tại TP.HCM thấp nhất trong 10 năm qua. Nguồn cung căn hộ sơ cấp chỉ đạt 10.700 căn trong năm 2023. Trước bối cảnh nguồn cung khan hiếm và giá nhà đắt đỏ thì thị trường chỉ ghi nhận 6.200 giao dịch trong năm.
Ông Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, nguồn cung cho phân khúc nhà ở vừa túi tiền phải phụ thuộc vào quỹ đất. Khi mở được 2 “cánh cửa” là pháp lý và nguồn vốn thì việc còn lại là phải có quỹ đất: “Đây là bài toán của các nhà lập quy hoạch, của nhà hoạch định chính sách của UBND TP. Để phát triển nguồn cung thì cần phải có quỹ đất, khi 2 “cánh cửa” kia mở mà không có quỹ đất thì sẽ bị thắt cổ chai”
Trong khi đó, chỉ tiêu phát triển nhà ở của TP.HCM giai đoạn 2021-2025 tăng 50 triệu m2 sàn nhà ở. Đến nay, TP mới phát triển khoảng 19,88 triệu m2 sàn (đạt khoảng 38% chỉ tiêu đề ra trong giai đoạn 2021-2025).
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, để đạt được chỉ tiêu đề ra cuối nhiệm kỳ vào năm 2025 là 50 triệu m2 sàn, thời gian còn lại TP phải phát triển thêm khoảng 30,12 triệu m2 sàn (năm 2024 và năm 2025). Điều này tương ứng mỗi năm phát triển bình quân khoảng 15,06 triệu m2 sàn. Sở Xây dựng TP đánh giá, đây là con số chưa từng đạt được trong giai đoạn trước, khi thị trường bất động sản phát triển vượt bậc.
Ông Trần Hoàng Quân – Giám đốc Sở Xây dựng TP cho rằng, kịch bản khả quan nhất là TP phát triển bình quân khoảng 8 triệu m2/năm trong 2 năm còn lại. Khi đó, giai đoạn 2021-2025, dự báo TP sẽ phát triển tổng cộng khoảng 35,88 triệu m2 sàn nhà ở, tương ứng 71% chỉ tiêu đề ra.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường yêu cầu Sở Xây dựng có biện pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ theo mục tiêu đề ra: "Tập trung cải cách hành chính mang tính tổng thể, tổng quát để có đường đi rõ hơn trong quá trình làm. Trên cơ sở các quy định của pháp luật, thể chế hoá ra thành các cơ chế, chính sách, đưa ra được những quy định của TP.HCM"
Với một đô thị đông đúc như TP.HCM, nhu cầu nhà ở, đặc biệt là phân khúc bình dân là rất lớn. Do đó, TP cần nghiên cứu, vận dụng Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội để tạo dựng khung chính sách phù hợp với thực tiễn, góp phần giải quyết bài toán nhà ở.
Bất động sản dành cho bạn