Thị trường bất động sản có thể đón nhận nhiều dòng vốn đầu tư mới trong thời gian tới nhờ chính sách nới lỏng tín dụng và dòng tiền rẻ được bơm vào khi thị trường dần phục hồi. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng vẫn sẽ được kiểm soát chặt chẽ để hạn chế rủi ro cho thị trường và nền kinh tế.
Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức dừng phát hành tín phiếu từ ngày 5/3/2025, tín hiệu nới lỏng tiền tệ trở nên rõ ràng, hỗ trợ kéo giảm mặt bằng lãi suất theo chủ trương của Chính phủ. Dù NHNN chưa có động thái giảm lãi suất điều hành, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng thương mại đã giảm đáng kể sau khi NHNN can thiệp.
Theo dữ liệu từ NHNN, tính đến cuối tháng 9/2024, dư nợ tín dụng bất động sản đạt 3,15 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ và tăng 9,15% so với cuối năm trước. NHNN cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 16%, tương đương khoảng 2,5 triệu tỷ đồng được bơm vào thị trường.
Dòng tiền rẻ chảy vào thị trường dự kiến sẽ hướng đến các kênh đầu tư tiềm năng như bất động sản (BĐS) và chứng khoán, trong bối cảnh giá vàng biến động mạnh. BĐS, vốn nhạy cảm với chu kỳ tiền tệ, có thể sớm phản ứng với đà giảm lãi suất, tạo ra làn sóng đầu tư mới, đặc biệt khi thị trường đang phục hồi và NHNN có dấu hiệu tăng cấp tín dụng cho lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, nguồn cung BĐS cũng ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ. Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), năm 2024 có khoảng 65.376 sản phẩm chào bán mới, gấp ba lần năm 2023. Dự kiến năm 2025, nguồn cung tiếp tục tăng khoảng 10% so với năm 2024. Nhiều dự án được tháo gỡ khó khăn, cấp phép mới, trong đó có cả nhà ở xã hội.
Dù chính sách tín dụng được nới lỏng, các ngân hàng vẫn kiểm soát chặt chẽ các khoản vay liên quan đến BĐS. Thông tư 06/2023/TT-NHNN đang được áp dụng nhằm giảm rủi ro tài chính và thanh lọc doanh nghiệp yếu kém, chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt. Đồng thời, thông tư này cũng siết chặt điều kiện vay mua nhà để đảm bảo an toàn tín dụng.
Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 cũng sẽ giúp giảm rủi ro thị trường, bảo vệ khách hàng và hệ thống ngân hàng. Trong dài hạn, lãi suất cho vay sẽ phụ thuộc vào chính sách tiền tệ chung và diễn biến kinh tế vĩ mô. VARS dự báo lãi suất sẽ ổn định để hỗ trợ tăng trưởng, đặc biệt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể cắt giảm lãi suất trong năm 2025.
Doanh nghiệp BĐS cần có chiến lược phù hợp, tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội và căn hộ trung cấp để dễ dàng tiếp cận vốn vay và đáp ứng nhu cầu thực tế. Trong khi đó, nhà đầu tư cần hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức, tránh chạy theo các sản phẩm bị “thổi” giá. Thay vào đó, nên ưu tiên đầu tư vào các khu vực có tiềm năng phát triển thực sự, hạ tầng hoàn thiện và nhu cầu cao để đảm bảo hiệu quả đầu tư dài hạn.
Bất động sản dành cho bạn